Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (37 tuổi) đã trở thành một người mẹ thay đổi vì hạnh phúc của con khi trở thành thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ cha mẹ tốt phường Kim Long (TP Huế) dù trước đó thường xuyên la mắng và đánh con. Với chị Ngọc Anh giờ đây, yêu thương con chính là: “Phải yêu thương được cả những lúc con sai lầm và phạm lỗi…!”

Những lằn roi và sự uất ức

Chị Ngọc Anh có hai con trai 10 tuổi và 9 tuổi. Tâm sự với chúng tôi khi nói về hai con, chị cho biết đó là hai đứa trẻ hơi ngỗ nghịch. Những trận đòn đến với con thường là khi tôi đang áp lực, bực dọc. Có lần, tôi bảo cháu đúng giờ phải ngồi vào bàn học bài nhưng cháu không chịu. Mất bình tĩnh, tôi không còn xưng mẹ và con mà xưng mi và tau. Tôi đã không ngừng hét to: “Mi vào đây, mi biết tay tau”. Bị đánh, con tức tối, vừa khóc tớt, vừa giận dữ, ngồi lì trong phòng. Những lúc như vậy, cháu đã không còn cảm thấy ba mẹ là ba mẹ của mình nữa, luôn giữ một khoảng cách vì hoảng loạn, sợ sệt.

“Tôi đã áp đặt, đánh thẳng tay con như thế nhiều lần, trong nhà luôn có sẵn roi. Nhưng con khóc, lần sau vẫn tái phạm. Đánh con, mẹ xót xa trong lòng…”, chị Ngọc Anh kể.

Thay đòn roi bằng yêu thương

Năm 2018, chị được mời đến tham gia khóa học kỷ luật tích cực thông qua dự án Tăng cường Năng lực cho các Tổ chức xã hội về Quản trị Quyền Trẻ em. Hoạt động được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp Hội Bảo Vệ Quyền Trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế và sự tài trợ của Tổ chức Cứu Trợ trẻ em Quốc tế (SCI) tại Việt Nam. Từ việc mong muốn học để áp dụng công việc, chị đã tự nguyện đăng ký tham gia vào Câu lạc bộ.

Ban đầu chị gặp khó khăn vì sử dụng phương pháp kỷ luật tích cực thì bản thân phải tự dằn cơn giận xuống, nhưng tập thành quen, lâu dần làm được. Tiến tới, chị bắt đầu trò chuyện nhiều hơn với con và dần dần bây giờ không còn đánh, la mắng hay dọa nạt con nữa. “Những lúc con sai phạm, ngỗ nghịch tôi phải bình tâm xem lại nguyên nhân, phân tích cho con biết phải trái. Giờ con không còn hoảng loạn còn tôi thì đã giảm được stress, mệt mỏi vì thôi la hét con, chị cười.

Lan tỏa yêu thương trong cộng đồng

Chị Ngọc Anh say sưa kể về những vụ việc mà chị đã góp phần làm thay đổi cả những người xung quanh. Từ việc tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra lời khuyên khắc phục việc hàng xóm có con đang độ tuổi mẫu giáo thường tát khi cho con ăn. Đến việc giúp đỡ một số trường hợp các cháu không được đến trường . Chị Ngọc Anh cùng các thành viên câu lạc bộ đã đề xuất lên UBND Phường, phối hợp Tổ dân phố để khuyên gia đình đi làm giấy chứng sinh, làm giấy khai sinh để cháu được đi học như mọi người.

“Năm 2019, chúng tôi đã đề xuất với chính quyền, phối hợp cùng Đoàn Thanh niên phường để cải tạo không gian vui chơi cho trẻ ở nhà văn hóa Lý Nam Đế. Tạo những sân đá bóng, xích đu,… nhằm tạo sân chơi lành mạnh và tránh tình trạng tụ tập tại các quán internet… về sẽ bị ba mẹ la mắng” chị vui vẻ chia sẻ kết quả.

 “Mình nghĩ trẻ em cần phải được thương yêu cả những lúc trẻ sai lầm. Để những lúc trẻ mắc lỗi, thứ các cháu nhận được không phải đòn roi mà phải là bài học: đã sai ở đâu, sửa thế nào”.

Bảo Hòa