Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) được tài trợ bởi Quỹ sáng kiến khí hậu Quốc tế (IKI) thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) để thực hiện dự án “ Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Trung Việt Nam” tại xã A Roàng và xã Hồng Thượng huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục tiêu chung của dự án là đa dạng sinh kế thông qua các thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền Trung Việt Nam. Các kết quả mong đợi bao gồm:

– Kết quả 1: Đồng bào DTTS nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu và các thực hành CSA phù hợp.

– Kết quả 2: Các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu được thí điểm và nhân rộng để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

– Kết quả 3: Chuỗi giá trị sản phẩm của các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu được kết nối với thị trường.

– Kết quả 4: Mối quan tâm của cộng đồng đối với bảo vệ môi trường, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tăng lên.

Để đáp ứng nhu cầu thực hiện hoạt động trên, Trung tâm cần tuyển dụng nhóm tư vấn có kinh nghiệm và năng lực để thực hiện hoạt động khảo sát đánh giá và lựa chọn mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Thời gian thực hiện: 22/8/2023 – 20/9/2023

+ Thời hạn nộp hồ sơ: 10/8/2023-16/8/2023

+ Địa điểm thực hiện: Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

1. Mục tiêu của hoạt động

Các mục tiêu của hoạt động này là:

(1) Đánh giá hiện trạng các mô hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương và những tác động của biến đổi khí hậu cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan đến mô hình;

(2) Xác định những thực hành/ giả pháp hiện tại của cộng đồng đối với các mô hình này để tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu/ thời tiết cực đoan;

(3) Xác định và lựa chọn những can thiệp/ thay đổi đối với những mô hình sản xuất nông nghiệp đã có để tăng cường khả năng thích ứng, giảm phát thải, đồng thời ổn định hoặc tăng năng suất;

(4) Đồng thuận về những can thiệp được đề xuất tại mục tiêu 3 với chính quyền địa phương và lập kế hoạch thực hiện triển khai các can thiệp đó.

2. Nhiệm vụ của tư vấn

Để thực hiện có hiệu quả và đạt được các mục tiêu nên trên, nhóm tư vấn được đề xuất thực hiện các công việc sau:

  • Tổng quan tài liệu (desk study): Mục tiêu của tổng quan tài liệu là hiểu rõ tổng thể về tiếp cận CSA, các loại mô hình CSA, bối cảnh hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương, những tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương và những tiêu chí lựa chọn mô hình CSA phù hợp và khả thi tại địa phương. Để đạt được mục tiêu này, tư vấn cần nghiên cứu tổng quan về các tài liệu liên quan đến CSA tại Việt Nam, báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện A Lưới và hai xã vùng dự án, một số công trình xuất bản liên quan đến tác động, thích ứng trong sản xuất nông nghiệp với biến đổi khí hậu tại huyện A Lưới. Kết quả của hoạt động là danh mục một số mô hình CSA được lựa chọn từ tổng quan tài liệu có tính khả thi và khả năng áp dụng tại hai xã vùng dự án thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Xây dựng báo cáo khởi động (inception report): Dựa vào kết quả của tổng quan tài liệu, tư vấn xây dựng báo cáo khởi động trong đó nêu rõ mục tiêu của khảo sát, nội dung khảo sát, cách thức tiến hành ( phương pháp), thiết kế cộng cụ thu thập thông tin, đối tượng tham gia và kế hoạch thực hiện khảo sát. Các tiêu chí để lựa chọn mô hình CSA. Báo cáo khởi động phải được Trung tâm chấp thuận trước khi triển khai các hoạt động thu thập thông tin tại các xã thực hiện dự án.
  • Phát triển các công cụ thu thập thông tin: Các công cụ thu thập thông tin đươc đề xuất sử dụng trong khảo sát này bao gồm:
    • Phỏng vấn người am hiểu: là cán bộ của phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp huyện, phó chủ tịch xã phụ trách kinh tế, cán bộ nông nghiệp huyện, cán bộ hội nông dân, hội phụ nữ huyện và xã. Mục đích của phỏng vấn người am hiểu là để tìm hiểu tổng quan về sản xuất nông nghiệp tại vùng dự án, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, những can thiệp về khía cạnh nông nghiệp thông minh có thể thực hiện và đề xuất các mô hình CSA phù hợp và khả thi có thể triển khai tại địa phương.
    • Thảo luận nhóm: Dự kiến nhóm tư vấn sẽ tiến hành 2 thảo luận nhóm tại 2 xã, với 10 người/ mỗi thảo luận nhóm. Thành phần tham gia thảo luận nhóm là cán bộ xã phụ trách nông nghiệp, cán bộ hội nông dân xã, cán bộ hội phụ nữ, các trưởng thôn, và một số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Nội dung của thảo luận nhóm trọng tâm vào xem xét ảnh hưởng của biến đối khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, những giải pháp/ can thiệp đã và đang được thực hiện, những mô hình có thích ứng và giảm thiểu trong sản xuất nông nghiệp có thể được áp dụng, quy mô, số hộ tham gia, cách thức tổ chức thực hiện mô hình
    • Phỏng vấn sâu: khoảng 10 hộ DTTS điển hình trong sản xuất nông nghiệp sẽ tham gia vào hoat động khảo sát với bình quân 5 hộ/ xã. Nội dung của phỏng vấn hộ tập trung vào việc đánh giá nhận thức của hộ về những tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, những thực hành sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đang được thực hiện tại nông hộ, khả năng đáp ứng của nông hộ với việc áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay và những đề xuất của nông hộ về các mô hình CSA
  • Thống nhất kế hoạch thực địa thu thập thông tin và công tác tổ chức thực hiện thu thập thông tin tại các xã: Nhóm tư vấn cần xây dựng kế hoạch chi tiết về việc triển khai thực địa thu thập thông tin, kế hoạch này cần thảo luận và thống nhất với cán bộ dự án. Sau khi kế hoạch được thống nhất, cán bộ dự án sẽ thông báo với các bên liên quan đến tiến hành triển khai khảo sát.
  • Triển khai hoạt động thực địa để thu thập thông tin cho hoạt động khảo sát: dự kiến hoạt động thực địa sẽ được triên khai trong 6 ngày, trong đó 3 ngày để thu thập thông tin từ phỏng vấn người am hiểu và thảo luận nhóm, 3 ngày còn lại để tiến hành phỏng vấn hộ.
  • Tổng hợp số liệu, phân tích số liệu và xây dựng bảng thảo báo cáo khảo sát: Với các số liệu thu thập được, nhóm tư vấn sẽ tiến hành tổng hợp và phân tích theo các chỉ tiêu đã đưa ra trong báo cáo khởi động và đề cương của báo cáo tổng kết. Đồng thời 1 bản thảo báo cáo sẽ gửi cho cán bộ dự án góp ý. Bảng báo cáo dự thảo sẽ bao gồm các nội dung sau:
    • Đặt vấn đề/ giới thiệu
    • Mục tiêu của khảo sát
    • Phương pháp và tiến trình thực hiện
    • Kết quả khảo sát:
      • Thông tin chung về sản xuất nông nghiệp tại 2 xã dự án ( các mô hình nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, quy mô của mỗi loại mô hình, năng suất, sản lượng)
      • Những tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại 02 xã dự án
      • Những thực hành hiện tại/ giả pháp của cộng đồng để tăng cường khả năng thích ứng của mô hình sản xuất nông nghiệp dưới tác động của biến đổi khí hậu/ các hiện tượng thời tiết cực đoan
      • Những đề xuất về mô hình CSA và những can thiệp để nâng cao tính thích ứng, giảm phát thải và ổn định năng suất/ sản lượng (sử dụng các chỉ tiêu để lựa chọn và giải thích việc lựa chọn mô hình cũng như cách thức can thiệp)
      • Kiến nghị về thiết kế mô hình (quy mô, kinh phí, can thiệp) và kế hoạch thực hiện
      • Kết luận và kiến nghị với chính quyền địa phương
    • Họp tham vấn về lựa chọn mô hình CSA tại địa phương: Nhóm tư vấn sẽ tham gia chia sẻ kết quả khảo sát và các mô hình CSA được đề xuất với đại diện của UBND huyện A Lưới, các cơ quan bao gồm phòng NNPTNT huyện, Trung tâm kỹ thuật NN huyện, hội Nông dân, hội Phụ nữ huyện, cán bộ UBND các xã. Mục tiêu của họp tham vấn là thảo luận và đồng thuận về các mô hình CSA được nhóm tư vấn đề xuất và cách thức triển khai, kế hoạch thực hiện mô hình.
    • Hoàn thiện báo cáo khảo sát: Sau khi nhận được góp ý từ cán bộ dự án và cán bộ địa phương trong buổi họp tham vấn, nhóm tư vấn sẽ tiến hành điều chỉnh và cập nhật báo cáo theo các góp ý. Báo cáo cuối cùng nộp cho dự án bằng tiếng Việt với phần tóm tắt của báo cáo bằng tiếng Anh.

 3. Sản phẩm giao nộp

  • 01 báo cáo khởi động;
  • 01 bộ công cụ phỏng vấn người am hiểu, thảo luận nhóm, và phỏng vấn sâu;
  • 01 báo cáo kết quả khảo sát;
  • 04 loại mô hình CSA được đề xuất triển khai tại cộng đồng;
  • 01 biên bản đồng thuận về thực hiện mô hình CSA tại 2 xã dự án do UBND huyện ban hành;
  • Ảnh chụp tư liệu hoá hoạt động

4. Yêu cầu đối với tư vấn

  • Có bằng cấp thạc sỹ liên quan đến ngành nông học, chăn nuôi, và phát triển nông thôn
  • Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi
  • Có kinh nghiệm làm việc với cộng đồng DTTS
  • Có kinh nghiệm tiến hành các khảo sát cơ bản liên quan đến sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
  • Có các công trình xuất bản trên tạp chí trong nước hoặc quốc tế liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

5. Phí tư vấn

CRD sẽ thỏa thuận với tư vấn về mức phí sau khi hồ sơ dự tuyển của tư vấn được CRD xét duyệt và lựa chọn. Định mức và tổng kinh phí tư vấn không vượt quá ngân sách được nhà tài trợ phê duyệt.

6. Hồ sơ dự tuyển

  • Thư bày tỏ sự quan tâm
  • Lý lịch khoa học (CV) của tư vấn
  • Đề xuất mức phí tư vấn

Hồ sơ nộp đến Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung trước 18h00 ngày 16/8/2023 theo địa chỉ email: office@crdvietnam.org; Điện thoại: 0234 3529749; Số máy lẻ: (0)

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Bà: Lê Thị Minh Hải, cán bộ hành chính Trung tâm PTNT miền Trung

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại TOR tuyển dụng.