Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép

Sau bão số 10, toàn tỉnh có 6.900 ha cao su bị thiệt hại, trong đó riêng huyện Vĩnh Linh có 4.865 ha cao su bị thiệt hại với 3.246 ha thiệt hại trên 70%; 969 ha thiệt hại từ 50- 70%. Nhiều gia đình người dân đang có mức thu nhập từ 1- 4,5 triệu đồng/ngày, nay trở nên trắng tay. Chỉ riêng thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, toàn chi nhánh có 1.706 hộ vay vốn trồng cao su bị thiệt hại với tổng giá trị 91,7 tỷ đồng, trong đó huyện Vĩnh Linh 38 tỷ đồng; Cam Lộ 35 tỷ đồng; Gio Linh 11 tỷ đồng; Hướng Hoá và Triệu Phong 3,5 tỷ đồng. Không chỉ thiệt hại nặng nề khi cao su bị đổ ngã, chi phí khắc phục, dọn dẹp các vườn cây sau bão đang là gánh nặng đè lên vai người trồng cao su.

Xã Vĩnh Thủy là một trong những địa phương có diện tích cao su và rừng trồng lớn của huyện Vĩnh Linh, đây cũng là địa phương thiệt hại nặng nề nhất huyện trong cơn bão số 10. Toàn xã có 400 ha cao su và trên 400 ha rừng sản xuất bị gãy đổ hoàn toàn. Cao su bị bão quật gãy đổ chỉ có thể mang đi bán gỗ nhưng hiện tại giá thu mua gỗ của thương lái trên địa bàn lại quá rẻ không đủ chi phí thu dọn. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bình thường giá thu mua gỗ cao su có đường kính từ 14 cm trở lên giá khoảng 300- 400 ngàn đồng/m3 nhưng nay thương lái chỉ thu mua ở mức 100 – 200 ngàn đồng/m3. Ngoài việc bị ép giá, để bán được gỗ người dân còn phải tự cưa, sắp xếp lại thành đống ở vị trí thuận lợi cho xe vào vận chuyển; tính ra tiền bán gỗ không đủ chi phí trả nhân công. Không riêng gì gỗ cao su bị ép giá mà hiện nay các loại gỗ rừng sản xuất của người dân ở Vĩnh Linh cũng bị tư thương trả với giá thấp hơn trước nhiều lần.

 

5756745bgfhtrgfhtyu6gbfhty6ghtyhty657gfhytu65bgfhtry

 

 

Người dân giúp nhau khắc phục thiệt hại ở các vườn cây cao su

Ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Thủy Ba Tây có hơn 0,5 ha rừng trồng vành đai cho vườn cao su rộng 7 ha gồm 2 loại cây tràm và bạch đàn đã 12 năm tuổi ở vị trí gần đường, giao thông đi lại thuận lợi. Nửa tháng trước có người trả ông Thắng 80 triệu đồng nhưng ông chưa muốn bán, sau trận bão số 10 không chỉ vườn cao su bị thiệt hại nặng nề mà toàn bộ diện tích rừng vành đai này cũng gãy đổ tan hoang, ông Thắng gọi điện cho thương lái thì giá chỉ còn 12 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Hạnh, Trưởng thôn Tân Thủy cho biết: “Trước giá thu mua rừng sản xuất ở đây ở mức 50 – 70 triệu đồng/ha nhưng giờ chỉ còn 20 triệu đồng/ ha mà thương lái chỉ thu mua ở những địa bàn đi lại thuận tiện chứ như thôn Tân Thủy giờ vẫn chưa có ai đến hỏi. Càng để lâu ngày cây đổ ngã như vậy gặp nắng sẽ nhẹ đi thì giá càng giảm. Gỗ tràm còn không ai mua chứ nói gì đến gỗ cao su. Sau bão người dân chỉ mong bán đi phần tài sản bị thiệt hại còn giá trị để thu hồi phần nào vốn đầu tư, giải quyết khó khăn nhưng tình cảnh hiện tại chúng tôi thiệt hại đủ đường”.

Chi phí khắc phục không nhỏ 

Để trồng mới 1 ha cao su, nếu có đất rồi thì chi phí gồm: làm đất 20 triệu đồng; cây giống 25- 27 triệu đồng; phân bón, công lao động khoảng 5 triệu đồng, chỉ riêng năm đầu tiên chi phí khoảng 50 triệu đồng; 6 năm kiến thiết còn lại mỗi năm tốn khoảng 10 triệu đồng tiền đầu tư cho phân bón và công chăm sóc. Trong khi đó, nếu trồng mới 1 ha cao su chưa có đất thì phải tốn thêm 70- 80 triệu đồng tiền mua đất. Như vậy tổng đầu tư 1 ha cao su đến khi khai thác từ 110- 190 triệu đồng.

Những ngày này, ông Phan Ngọc Thiết, thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy, người có 7 ha cao su mới đưa vào khai thác được 2 năm nay đều bị bão tàn phá với mức thiệt hại trên 80% đứng ngồi không yên. Ông rất lo lắng vì sau 2 năm khai thác cao su gia đình ông mới đủ tiền trang trải vật tư như kiềng, bát, máng dẫn mủ, dao cạo, thuê nhân công… chưa đủ chi phí đầu tư thời gian kiến thiết chứ nói gì đến lợi nhuận. Hiện gia đình ông vẫn còn nợ ngân hàng 250 triệu đồng tiền đầu tư trồng mới cao su theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp. Đầu năm 2014 là đến thời gian trả nợ vì thế ông Thiết cũng như nhiều người dân trong vùng không đủ khả năng tái canh trồng mới trên diện tích cao su đã thiệt hại. Khắc phục khó khăn, người dân ở đây thuê nhân công cắt ngang thân toàn bộ những cây đã gãy nhưng nghiêng ngã, bật gốc; bôi mở vazơlin và dựng lên chôn gốc lại với hi vọng sau này cây sẽ nảy chồi và sinh trưởng trở lại…

Hiện nay tiền thuê nhân công khắc phục dọn dẹp những vườn cây cao su thiệt hại sau bão ở mức 130- 150 ngàn đồng/ngày, tuỳ theo tính chất công việc. Nếu công lao động phổ thông (đào hố, chặt cây, kéo cây, vun gốc…) giá 130 ngàn đồng/công, còn những người có kinh nghiệm chằng chống, dựng lại cây cao su đúng kỹ thuật (trưởng nhóm) giá 150 ngàn đồng/công. Theo tính toán của người dân Vĩnh Thuỷ, để khắc phục 1 ha cao su tốn từ 6- 7 triệu đồng tiền thuê nhân công dựng thẳng, chằng chống cây. Ngoài ra, còn phải thuê người dùng máy cưa ngang nửa thân những cây có thể khắc phục được hoặc cưa cành ngọn, xẻ gỗ để dọn dẹp vườn với mức giá tính theo định mức sử dụng xăng, (cứ một bình xăng máy cưa giá 100 ngàn đồng) trung bình 1 ha gãy đổ từ 70% trở lên tốn từ 700- 800 ngàn đồng tiền thuê máy cưa, ngoài ra còn các khoản chí phí như vôi, phân bón… để xử lý và giúp cây sớm phục hồi rễ. Ở một số gia đình thiệt hại diện tích lớn còn phải đầu tư tiền triệu mua máy tời về kéo cây. Như vậy, để phục hồi 1 ha cao su thiệt hại từ 70% trở lên người dân phải chi phí gần 10 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Quốc, thôn Thuỷ Ba Đông, Vĩnh Thuỷ, người từng có kinh nghiệm trong khắc phục cây cao su gãy đổ do lốc xoáy năm 2011 được anh Thiết tin tưởng giao nhiệm vụ làm trưởng nhóm khắc phục 7 ha cao su gia đình anh. Trao đổi với chúng tôi, anh Quốc cho biết: “Gia đình tôi cũng có trồng cao su nhưng diện tích ít nên thiệt hại ít hơn anh Thiết. Sau khi khắc phục xong vườn cao su của gia đình mình, tôi nhận lời sang làm cho gia đình anh Thiết. Với những vườn cao su gãy đổ như vậy, giờ phải tốn một khoản kinh phí lớn để khắc phục; thuận lợi thì cũng phải sau 2- 3 năm mới có thể khai thác lại và lượng mủ sẽ giảm rất nhiều. Biết vậy, nhưng lúc này giúp nhau thì tôi cũng chỉ có cách cố gắng khắc phục, xử lý theo đúng kỹ thuật mà tôi biết như hướng dẫn cho thợ cưa kỹ thuật cưa những cây gãy đổ ngang thân vát theo góc 350 ngay tại chỗ gãy (cưa hết phần thân cây bị tước), sau đó bôi mỡ vazơlin vào vết cưa để tránh thấm nước làm thối cây và nấm bệnh xâm nhập. Đối với những cây gãy đổ cần dựng lên kéo thẳng thì hướng dẫn mọi người cách kéo, hướng kéo hạn chế đứt rễ, bón phân vi sinh, vôi…”.

Để khẩn trương dựng lại cây, vun gốc, đầm chặt, cắm cọc để giữ đứng cây những ngày này, tại các vườn cao su bị gãy, chính quyền địa phương đang tích cực kêu gọi và huy động các lực lượng công an, bộ đội, dân quân, đoàn thanh niên… giúp dân dọn dẹp vườn cây. Tuy nhiên, để chủ động những chủ vườn cao su đều bỏ tiền thuê nhân công nhằm nhanh chóng khắc phục tài sản của mình. Vì vậy, ngoài lượng nhân công tại chỗ, người dân ở các vùng khác cũng tìm về các địa phương có cao su thiệt hại sau bão để làm thuê rất nhiều. Nhưng khác với tâm lý người làm thuê là luôn mong công việc kéo dài để có thêm thu nhập, thì ở những vườn cao sau bão, chúng tôi nhận thấy không khí lao động rất khẩn trương. Dường như ai cũng muốn làm thật nhanh để sớm dọn dẹp xong đống đổ nát.

Theo chị Nguyễn Thị Lý, xã Vĩnh Lâm thì tranh thủ lúc nông nhàn chị sang Vĩnh Thủy làm thuê kiếm thêm tiền, chị đã làm hơn 1 tuần nay với mức thu nhập 130 ngàn đồng/ngày. Biết là làm công lấy tiền chứ không phải tài sản của mình cũng không bà con, quen biết gì với người chủ vườn cao su này nhưng nhìn hàng ngàn cây cao su gãy đổ như vậy chị Lý cũng không khỏi xót xa. Vì vậy, ngày nào đi làm chị cũng gắng hết sức làm việc với mong muốn vườn cao su mà chị đang dọn dẹp sẽ sớm phục hồi.

Theo baoquangtri.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x