Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Hoạt động đối thoại học đường tại trường Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng (thành phố Huế) đã và đang trở thành hoạt động điển hình của một “Ngôi trường hạnh phúc”. Ở trường, học sinh được lên tiếng thể hiện ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, giải trí, môi trường học tập và được lãnh đạo nhà trường, thầy, cô giáo lắng nghe, ghi nhận để rồi tìm cách đáp ứng.

Cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng dẫn tôi đi qua hai bên dãy phòng học của trường. Nổi bật lên giữa màu nung đỏ của những mảng tường ngôi trường có bề dày hơn trăm tuổi là hộp thư “Điều em muốn nói”. Cô Phượng cho biết: “Đây chính là kết quả của sự lắng nghe và đáp ứng mong muốn của các em qua phiên đối thoại học đường năm 2019. Đến nay, trường có hai hộp thư và thường xuyên nhận được những ý kiến, thắc mắc, mong muốn của các em. Chúng tôi có ban tư vấn phân loại thư liên quan đến các lĩnh vực khác nhau. Có những lá thư gửi trực tiếp cho hiệu trưởng, được chúng tôi chuyển đến hiệu trưởng để xử lý”, cô Phượng chia sẻ.

Hộp thư Điều em muốn nói được lắp đặt từ ý kiến của học sinh trong đối thoại học đường năm 2019 tại trường THPT Hai Bà Trưng

Trước đây, trường THPT Hai Bà Trưng cũng từng ấp ủ mong muốn sẽ tổ chức đối thoại cho học sinh, tuy nhiên vì chưa có kinh nghiệm, chưa có phương pháp nên tất cả chỉ trong dự định. Đến năm 2019, với sự đề xuất, hướng dẫn và hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trong khuôn khổ dự án  “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về Quản trị Quyền Trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tài trợ, Ban giám hiệu trường THPT Hai Bà Trưng đã mạnh dạn phối hợp tổ chức buổi đối thoại đầu tiên.

Đối thoại “Vì một môi trường học đường hạnh phúc” năm 2019

Đối thoại “Vì một môi trường học đường hạnh phúc” năm 2020

Tại phiên đối thoại ban đầu với chủ đề “Vì một môi trường học đường hạnh phúc”, các vấn đề liên quan được các thầy cô đưa ra để các em thảo luận và nêu ý kiến. Nhiều ý kiến, đề xuất liên quan đến cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, giảm áp lực điểm số, xây dựng “lớp học xanh”, thúc đẩy các phong trào đọc sách, hoạt động nhóm, thể dục thể thao, cần có Hộp thư góp ý… đã được đại diện học sinh toàn trường bày tỏ với ban giám hiệu, các thầy cô trưởng bộ môn và nhân viên nhà trường một cách mạnh dạn, thẳng thắn, có tính xây dựng cao.

Phát biểu tại buổi đối thoại đầu tiên năm 2019, Thạc sỹ Ngô Đức Thức , hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng cho biết: “Thực tâm, thầy rất thích hoạt động như thế này bởi có thể lắng nghe trực tiếp nguyện vọng của các em không qua khâu trung gian, vì đôi khi người truyền tải làm thông tin bị mờ đi”. Thầy Thức cũng thể hiệnmong muốn trường sẽ duy trì hoạt động đối thoại này thường xuyên, và “Nếu có vấn đề nào cần chất vấn, không cần phải đến kỳ đối thoại, các em có thể trực tiếp lên phòng Hiệu trưởng. Nếu đang bận việc thầy cũng sẽ dừng lại để nghe các em nói”. nói.

Tiếp thu ý kiến mà các em đưa ra trong buổi đối thoại, Ban giám hiệu nhà trường đã có những hành động cụ thể ngay trong năm học 2019-2020. Nhà trường đã nâng cấp cơ sở vật chất, sửa chữa các thiết bị hư hỏng tại các phòng học, chỉnh đốn cách cư xử, thái độ của các nhân viên nhà xe và phát động phong trào “Lớp học xanh” để học sinh có cơ hội được sáng tạo “xanh hóa lớp học” theo các cách của mình. Đồng thời, tăng cường tính dân chủ và sự tham gia của học sinh trong việc xây dựng một môi trường học đường hạnh phúc. Từ đó, Ban Giám hiệu nhận thấy ý nghĩa tích cực của hoạt động nên đã tiếp tục đưa đối thoại vào kế hoạch hoạt động năm học 2020 – 2021 và giao cho Đoàn trường chủ trì tổ chức.

Khi được tạo cơ hội tự do bày tỏ quan điểm, nhận được sự cởi mở, tin tưởng, lắng nghe và ghi nhận của thầy cô, các em dường như trở nên tự tin hơn rất nhiều để chia sẻ về những góc nhìn, mong muốn, đề xuất của mình. Nhà trường cũng đã có những phương pháp tổ chức mới để đảm bảo các ý kiến được đưa ra trong buổi đối thoại là ý kiến chung của tất cả học sinh, bằng cách thông báo để các lớp thảo luận các vấn đề cần đưa ra, và cử đại diện của lớp tham dự đối thoại. Các ý kiến từ đó cũng thực tế hơn, cụ thể hơn và đa dạng hơn. Từ “Hi vọng thầy giáo dạy Sử tương tác với học sinh nhiều hơn”, đến “Đề xuất lắp đặt thêm thêm thùng rác ở tầng hai”, “Chúng em cần thêm các cuộc thi hùng biện, các hoạt động ngoại khóa để lưu giữ những kỷ niệm tuổi học trò”, “Sân trường nhiều ổ gà làm các bạn nữ mặc áo dài dễ bị ngã” “Quan sát được những điều nhỏ bé như thế và nói lên được những điều đó, tôi tin rằng các em sẽ có thể lên tiếng vì những điều lớn hơn, vì mình và vì mọi người hơn.”, thầy Hiệu trưởng vui mừng bày tỏ. Điều đáng ghi nhận là trong cả hai kỳ đối thoại, thầy Hiệu trưởng cùng các thành viên Ban giám hiệu, Khối trưởng chủ nhiệm và đại diện các bộ phận liên quan đề có mặt từ đầu đến cuối để trả lời chất vấn hầu hết tất cả các câu hỏi mà các em đưa ra, trong đó khẳng định rõ vấn đề nào trường có thể hành động ngay, vấn đề nào trường sẽ lưu ý thay đổi dần dần.

Em Nguyễn Thị Lan Phương, học sinh lớp 11 trường THPT Hai Bà Trưng phát biểu: “Đây là năm thứ 2 em tham gia đối thoại học đường vì một ngôi trường hạnh phúc. Năm ngoái em có nêu ý kiến về việc một số trang thiết bị trong phòng học của chúng em bị hư hỏng. Thầy hiệu trưởng đã lắng nghe và giao phòng cơ sở vật chất xử lý, sửa chữa kịp thời. Đây là lần đầu tiên em thấy mình được đại diện cho các bạn gửi tiếng nói trực tiếp đến thầy hiệu trưởng, được gặp mặt thầy hiệu trưởng để bày tỏ mong muốn, được cùng tranh luận với các thầy cô và tìm cách giải quyết. Em mong sau này hoạt động sẽ được mở rộng với phạm vi lớn hơn, thảo luận nhiều vấn đề hơn, mời được nhiều bạn tham gia hơn.”

Phó hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng cho biết đối thoại học đường được đưa vào kế hoạch của trường và thông báo rộng rãi cho học sinh, phụ huynh

“Xây dựng trường học hạnh phúc không phải cứ phải làm được những việc to tát mà trước hết hãy bằng những việc làm thiết thực, tạo nhiều cơ hội để lãnh đạo nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh đến gần với nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn. Học sinh được quan tâm, được yêu thương, được bảo vệ, được tôn trọng, được thực hiện quyền của mình. Để làm được điều đó, nhà trường thông qua hoạt động đối thoại học đường đáp ứng và tạo cơ hội cho học sinh tham gia, nói lên tiếng nói của mình. Điều đặc biệt là năm 2020 này, đối thoại học đường đã được trường đưa vào kế hoạch từ đầu năm và dự kiến sẽ được tổ chức thường niên để lắng nghe học sinh được nhiều hơn”, cô Phượng chia sẻ với chúng tôi sau phiên đối thoại thành công tại trường.

“Chúng em rất vui khi được tham gia đối thoại. Qua buổi đối thoại chúng em được trực tiếp trình bày ý kiến, nguyện vọng của bản thân. Sau đối thoại em nhận thấy nhà trường đã đáp ứng nhiều nguyện vọng của chúng em. Em rất cảm ơn!”

(Em Lê Văn Minh Toàn – Lớp 12D2)

Bảo Hòa