Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Văn hoá nông thôn rất nghèo hoặc rất giàu. Hai mặt trái ngược này là có thật. Bởi trong khi nét văn hoá mới cùng cách thức hoạt động của nó còn nghèo nàn thì văn hoá truyền thống, văn hoá tín ngưỡng lại vô cùng phong phú.

Thực tế là lễ hội truyền thống hiện nay thường được tổ chức theo kiểu tân thời loè loẹt, đầy hủ tục, dân ca thì được phổ nhạc một cách bừa bãi bất chấp tính phi nhạc cụ của nó, còn tín ngưỡng thì mang màu sắc dị đoan nặng nề, xa lạ vô cùng với các tôn chỉ Phật giáo.

Ở cấp độ Nhà nước, kinh phí hoạt động văn hoá hằng năm vẫn được rót cho các cấp từ tỉnh, huyện đến xã. Có điều kinh phí nghèo nên cách thức hoạt động văn hoá còn sơ sài. Vả lại, cũng rất khó khăn để có cán bộ có văn hoá (chứ không phải có bằng cấp) vào cương vị lãnh đạo. Bù lại, các hoạt động văn hoá mang tính tự phát, cá nhân và cộng đồng làng xã lại khá tốt.

Về ứng xử văn hoá, đạo hiếu của con cái đối với bố mẹ, vợ đối với chồng, bè bạn với nhau, ở ngay cả những địa phương nghèo nhất cũng vẫn có những tấm gương rất đẹp. Thế nhưng, nhiều khi vì lợi ích trước mắt, người ta sẵn sàng vi phạm pháp luật, dùng sức ép cộng đồng làng xã để tranh đoạt nếu cần. Góc chiếu giữa làng, mảnh đất ngoài dậu, con gà bị què, cái bát bị mẻ… từ những lý do tinh thần và vật chất rất bé đều có thể bùng phát mâu thuẫn lớn. Chùa Tây Phương, chùa Hương (Hà Tây), chùa Keo (Thái Bình) là những di tích văn hoá bậc nhất quốc gia, thế nhưng người dân đã kéo cả vào chùa bán hàng, gây khó dễ cho du khách, chưa kể môi sinh xuống cấp nghiêm trọng. Còn nữa, không một quốc gia nào ở phương Tây cho phép ăn mặc lố lăng vào nhà thờ và cũng không một nước nào ở châu Á cho phép khách phương Tây quần đùi may ô vào chùa. Thế nhưng ở VN, chỉ cần mua một cái vé 1 USD, là có thể… thoải mái.

Trong xu thế của nền kinh tế thị trường, bức tranh văn hoá nông thôn vốn khá thuần khiết trước đây ngày càng mang những nét phức hợp cổ kim, thật giả, cao thấp và hay dở lẫn lộn. Trước đây, trong làng, ông đồ và ông sư đóng vai trò trí thức quan trọng. Bây giờ ông đồ không còn. Ông sư, thì nhân dân chỉ yêu cầu họ cứu nhân độ thế bằng… viết sớ, cầu khấn, thậm chí lên đồng. Thế là ý nghĩa thiền mất hẳn.

Vài ông đồ mới nuối tiếc chữ thánh hiền bèn tự học chữ Nho khả dĩ viết sớ và đọc bia cho quê nhà. Còn bao nhiêu tượng Phật nhỏ, đồ cổ giá trị bị giới con buôn và trộm cắp vét sạch. Gia phả, thần phả, sách vở chữ Hán Nôm được các cán bộ nghiên cứu tận Hà Nội về mượn, nhưng không bao giờ trả. Nhiều nhà văn, nhà thơ xuất hiện từ tầng lớp giáo viên địa phương. Những thầy thuốc, bà lang rất quan trọng cho sức khoẻ cộng đồng ra đi dần. Những thày tử vi, thày địa lý, thày bói bài lá, bói chân gà… ngày càng đông. Nhiều người giàu ở thành phố xuất thân từ nông thôn, đem về quê những thói xấu thành thị. Và những người có tiền đã tô vẽ đình chùa, lăng mộ sặc sỡ như đồ hàng mã.

Về văn hoá giải trí, bóng dáng các đoàn chiếu phim, kịch lưu động đã vắng lặng từ lâu. Cho nên, người ta chỉ còn biết hâm mộ chưởng Tàu, phim tình cảm Hàn Quốc trên truyền hình địa phương. Nông thôn đã xuất hiện những ban nhạc “đồng quê” do vài thanh niên tự lập nhưng hát những bài ca chẳng đồng quê chút nào. Trụ sở thôn và bưu điện văn hoá có lèo tèo vài tờ báo và rất ít người đọc.
Về kiến trúc, bây giờ cảnh tượng “nhà ngói, sân gạch”, “chùm nho con sóc”, “hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân” không còn là mơ ước của người nông dân nữa. Thay vào đó là nhà đổ bê tông hai, ba tầng, quét màu loè loẹt, xây chóp củ hành, hoặc như ngôi chùa con ụp lên đỉnh nhà, sàn lát đá hoa Tàu và hố xí bệt. Nhà nào, cũng muốn khác kiểu nhà nào, nhưng nhìn tổng thể cũng chỉ là một phong cách địa chủ mới, khoe sang giàu, đôi chút mặc cảm.

Khoảng cách nông thôn, thành thị được san bằng dần. Những lò gạch mọc lên tua tủa ở mọi miền nông thôn, đặc biệt nơi có các triền sông. Đất phù sa không mất tiền, mà hái ra lợi. Nhưng ở đâu có lò gạch, ở đó có ô nhiễm nặng nề. Hoa trái thường mất sạch. Cây cối bị táp lá. Ôtô tải cỡ lớn và xe công nông quần nát đường làng, kéo theo lượng bụi cát mù mịt dọc đường đi. Nhiều công ty, nhà máy mua những mảnh đất lớn gần trục giao thông chính, hàng ngày đổ nước và phế thải công nghiệp vào đồng ruộng. Đất canh tác bị thu hẹp. Sinh hoạt của công nhân ở nông thôn làm nảy sinh nhiều hàng quán, tụ điểm giải trí phức tạp. Tóm lại là càng gần các khu đô thị và công nghiệp, nông thôn càng chịu nhiều sức ép về ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm, nghiện hút và suy thoái văn hoá truyền thống.

Nông thôn ngày nay không còn khép kín. Trong tinh thần của nó vừa có ước vọng làm giàu bằng mọi cách và vừa phản ánh mong muốn lưu giữ bản sắc văn hoá tôn giáo thuần phác. Đây là hai mặt khó dung hoà và đầy mâu thuẫn.

Theo vnexpress

1.8 5 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x