Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Ngày 3/3, dự án “Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội (CSOs) về quản trị Quyền trẻ em giai đoạn II” do Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế xây dựng và thực hiện đã được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo phê duyệt.

Dự án dự kiến sẽ thực hiện từ năm 2020 – 2021 nhận được sự tài trợ của tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế (SCI) với tổng kinh phí hơn 4,8 tỷ Việt Nam đồng thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố miền Trung gồm: tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Dự án nhằm mục tiêu kiến tạo không gian đối thoại và hỗ trợ cùng Chính phủ, góp phần thực hiện các khuyến nghị được nêu trong kết luận của Ủy ban về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc về thực thi Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.

Trong đó, các hoạt động của dự án hướng đến đối tượng hưởng lợi trực tiếp là: (i) Trẻ em thiệt thòi bao gồm cả trẻ em thành thị và thanh thiếu niên có nguy cơ bị xâm hại và ngoài lề, trẻ em đồng tính, song tính và chuyển giới, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới/ bắt nạt và trừng phạt thân thể và tinh thần; (ii) Các bậc cha mẹ, người làm công tác xã hội, giáo viên, (iii) Các tổ chức xã hội và các cơ quan ban ngành liên quan.

Dự án giai đoạn II bao gồm có 4 cấu phần chính: (i) Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội; (ii) Nâng cao nhận thức và năng lực cho cha mẹ, người làm công tác xã hội, giáo viên và trẻ em về những vấn đề liên quan đến phòng chống Trừng phạt thể chất và tinh thần (iii) Tăng cường thực thi quyền trẻ em (iv) Tăng cường sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các thành viên nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị quyền trẻ em (CCRG).

Trước đó, từ năm 2016 – 2019, dự án CRD thực hiện đã đạt được một số kết quả ấn tượng trong việc nâng cao năng lực về Quản trị Quyền trẻ em cho các tổ chức, các nhóm hợp tác thúc đẩy bảo vệ và thực thi quyền trẻ em được thành lập, hoạt động; phụ huynh và giáo viên nhận thức được tác động tiêu cực của trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ, bắt đầu áp dụng những phương pháp kỷ luật tích cực hơn để thay thế; trẻ em được nâng cao nhận thức, kỹ năng và tham gia thúc đẩy thực thi quyền trẻ em một cách hiệu quả hơn. Dự án giai đoạn từ năm 2020 – 2021 được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành quả này và tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các bên trong việc bảo vệ, thúc đẩy thực thi quyền trẻ em nhằm đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử và tăng cường sự tham gia của trẻ em.

Trừng phạt về thể chất và tinh thần là bạo lực đối với trẻ em, CRD mong muốn thông qua hợp phần dự án này làm một nhân tố thúc đẩy tạo nên sự thay đổi hướng đến chấm dứt bạo lực đối với trẻ em tại miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung.