Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực và thúc đẩy thực hành bảo vệ trẻ em trong sản xuất cà phê” tại tỉnh Đắk Lắk do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tài trợ, ngày 07-08/7/2022, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao cho đội ngũ giảng viên nguồn (ToT) về “Phương pháp tổ chức các hoạt động tăng cường kỹ năng đọc viết cho trẻ em” tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Tham gia lớp tập huấn có 31 học viên (14 nam và 17 nữ) là đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ, Ban QLDA xã, Đoàn Thanh niên và các giáo viên nòng cốt đang trực tiếp hỗ trợ triển khai trại đọc tại 06 xã triển khai dự án, gồm: Ea Drông và Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), Ea Drơng và Ea Tul (huyện Cư M’gar) và Ea Tân và Dlieya (huyện Krông Năng). Giảng viên lớp tập huấn là bà Trần Hương Thảo – Điều phối viên Chương trình Giáo dục và ông Đỗ Việt Dũng – Tư vấn thuộc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam.

Mục tiêu của lớp tập huấn nhằm cung cấp cho học viên các kiến thức nâng cao về các hoạt động tăng cường kỹ năng đọc viết cho trẻ em, trang bị cho học viên các phương pháp và kỹ năng phù hợp để có thể triển khai hiệu quả các buổi trại đọc trong trường học và cộng đồng, đồng thời thảo luận và đưa ra các giải pháp để khắc phục các khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức và đảm bảo tính bền vững của mô hình Trại đọc.

Lớp tập huấn đã áp dụng phương pháp thực hành, chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong quá trình triển khai mô hình Trại đọc tại địa phương từ các tham dự viên là các giáo viên nòng cốt đang trực tiếp thực hiện các hoạt động Trại đọc tại các xã triển khai dự án. Nội dung của lớp tập huấn tập trung vào các chủ đề gồm: một số điểm nội dung chính trong mô hình Trại đọc; bài học kinh nghiệm, thách thức và đề xuất các khuyến nghị trong quá trình triển khai mô hình Trại đọc; một số kỹ năng mềm cơ bản như giao tiếp, lắng nghe, quan sát, phản hồi và kỹ năng truyền thông nhóm nhỏ với trẻ em trong hoạt động trại đọc,…

Kết thúc lớp tập huấn, có 100% học viên đánh giá rất hài lòng với nội dung tập huấn cùng các phương pháp thúc đẩy và kỹ năng điều hành của giảng viên. Hầu hết các học viên cho rằng, nội dung lớp tập huấn là rất hữu ích và thiết thực, thông qua các thông tin/tài liệu được chia sẻ đã giúp học viên thay đổi để áp dụng các phương pháp và kỹ năng trong các hoạt động tăng cường đọc và viết của trẻ em được tốt hơn. Thông qua lớp tập huấn này, các cán bộ, Đoàn Thanh niên xã và giáo viên tham gia đã hiểu và nắm rõ các nguyên tắc, nội dung và các bước thực hiện để tổ chức hiệu quả các hoạt động Trại đọc trong nhà trường và cộng đồng trong thời gian tiếp theo. Quan trọng hơn, các hoạt động trại đọc cũng được thảo luận và lập kế hoạch ngay tại lớp tập huấn sẽ góp phần nhân rộng và lồng ghép vào mô hình Trại đọc đang được thực hiện với sự tham gia của chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên xã và các giáo viên nòng cốt, từ đó giúp nhiều trẻ em được tiếp cận và tăng cường thêm nhiều kỹ năng, kiến thức thông qua các hoạt động tăng cường kỹ năng đọc viết cho trẻ em ở địa phương.

Một số hình ảnh của lớp tập huấn ToT Trại đọc

Ảnh: Giảng viên chia sẻ nội dung tập huấn

Ảnh: Học viên cùng nhau tóm tắt lý thuyết mô hình trại đọc

Ảnh: Học viên chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong quá trình triển khai mô hình trại đọc

Ảnh: Học viên thảo luận nhóm

Đưa tin và hình ảnh: Nguyễn Văn Nam

                                                                                            Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung