Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Lèo Văn Nguyên, bí thư Xã đoàn Cường Lợi, huyện Na Rì (Bắc Kạn), dẫn chúng tôi đến thăm dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản kết hợp với vườn rừng” của anh ở thôn Pò Nim.

Những điểm sáng hiếm hoi

Chỉ đàn trâu đang gặm cỏ, Nguyên cho biết đó là hiệu quả từ 90 triệu đồng vốn vay ban đầu của T.Ư Đoàn. Tháng 12-2007 được hỗ trợ vốn vay từ T.Ư Đoàn, Nguyên mua trâu, đào ao thả cá và trồng vườn rừng. Bốn con trâu ban đầu đến nay đã thành đàn 17 con. Một ao cá mỗi năm cho thu hoạch hai đợt và 2ha rừng trồng mỡ, lát và xoan rừng. Tuy vườn rừng chưa thu hoạch, nhưng với ao cá và đàn trâu hiện có, mỗi tháng ngoài việc trả công cho bốn TN làm thuê 1-2 triệu đồng/người, thu nhập của Nguyên cũng 2-3 triệu đồng. “Tổng tài sản của tôi đến nay có thể đã hơn 300 triệu đồng, khoảng 8-15 năm nữa con số có thể gấp nhiều lần khi vườn rừng cho thu hoạch”.

Ngoài dự án đang rất thành công của Nguyên, tại xã Lương Thượng (cũng huyện Na Rì) còn có dự án nuôi bò thịt và sinh sản của bạn Dương Hồng Sinh – một TN dân tộc. Dự án này đã giải quyết việc làm với thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng cho gần chục TN trong bản.

Còn tại huyện Ba Bể cũng có rất nhiều dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại khá thành công của TN. Mô hình trang trại của chàng trai trẻ mới 26 tuổi Lê Hồng Thủy (xã Hà Hiệu) chẳng hạn. Là một TN dân tộc, Thủy quyết định vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình 120 của T.Ư Đoàn để lập nghiệp ngay tại quê nhà: đầu tư chăn nuôi bò, phát triển kinh tế trang trại. Thấy hướng đi, cách làm của Thủy đúng đắn, có hiệu quả, nhiều “môn đệ” của Thủy (Thủy vốn là một võ sư) đã cùng chung tay với thầy.

Những điểm sáng ấy theo anh Đồng Văn Lưu, bí thư tỉnh đoàn, đã phần nào thu hút được một số lao động trẻ nơi đây. Anh hi vọng “sẽ được tầng lớp TN vùng cao học tập, để có thêm nhiều điểm sáng”.

Thiếu vốn, thiếu thông tin

Những điểm sáng ấy thực tế chỉ là vài điểm trong bức tranh “ba không” về việc làm của TN vùng cao (không trình độ, không tay nghề, không (hay thiếu) việc làm).

Bí thư tỉnh đoàn Đồng Văn Lưu: “ở đây, năm thì mười họa mới có vài công trình nhỏ giải quyết việc làm mang tính thời vụ. Về lâu dài TN miền núi, vùng cao cần được trang bị kiến thức tay nghề để tạo việc làm, tổ chức đoàn ở Bắc Kạn vẫn chưa có một trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm. Riêng dự án xuất khẩu lao động cũng có nhưng không tìm ra người”.

Cũng chính vì “ba không” nên vấn đề việc làm, thu nhập cho TN, hộ gia đình trẻ ở Bắc Kạn đã khó càng thêm khó. Theo anh Đồng Văn Lưu, đến nay tỉnh đoàn vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giới thiệu, tạo việc làm cho TN. Mãi đến giữa năm 2007, Tỉnh đoàn Bắc Kạn mới chính thức bắt tay triển khai việc kêu gọi, vận động, tuyên truyền đến TN về học nghề, sau đó gửi danh sách đến các trung tâm dạy nghề của các tổ chức khác như phụ nữ, hội nông dân, nhưng chỉ lèo tèo vài ba TN đăng ký…
Vì không nghề, không việc làm, không thu nhập khiến nhiều TN trở thành “lâm tặc bất đắc dĩ”. Ở xã Côn Minh, huyện Na Rì, đầu tháng 10-2008 khi chúng tôi về Côn Minh, ông bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Lủng Pàng khi đó là Hoàng Đức Toàn, thẳng thắn cho biết cả thôn có 32 hộ dân thì 95% số hộ, chủ yếu là TN, đã đi “làm gỗ” theo lâm tặc. Ông cũng không giấu giếm thằng con út nhà ông cũng đã theo lâm tặc đi phá rừng nghiến. Tay viết đơn xin thôi việc ông vẫn áy náy: “Phải chi có việc khác cho TN trong bản thì bọn chúng đã không đi sai đường”.

“Tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, thanh niên dân tộc thiểu số. Khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… Phát huy thế mạnh lao động nông nghiệp. Khuyến khích thanh niên làm giàu chính đáng. Nhà nước hỗ trợ để chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tổ chức sản xuất kinh doanh cho thanh niên nông thôn. Chú trọng giáo dục ý thức kỷ luật, kỹ năng lao động, tay nghề cho thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; đồng thời có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ số thanh niên này”

(Trích nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x