Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Sáng ngày 23/7, Hội thảo khởi động dự án “Nông nghiệp liên kết hướng đến thu nhập bền vững cho đồng bào thiểu số” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị huyện Nam Giang. Hoạt động được Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và Tổ chức Tầm nhìn Thế Giới tại Việt Nam (WVV) phối hợp với Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Nam Giang tổ chức.

Ảnh 1: Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo đã chào đón 80 đại biểu là đại diện của tất cả các xã, thị trấn và các phòng ban thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo của các Sở Ngoại vụ, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế; và các công ty và hợp tác xã,  siêu thị BigC tại Đà Nẵng và Huế.

Tại hội thảo, ngay sau khi UBND huyện Nam Giang công bố Quyết định phê duyệt dự án, đại diện nhà tài trợ đã trao biểu trưng số tiền tài trợ dự án cho CRD – đơn vị thực hiện. CRD giới thiệu vắn tắt các thông tin, nội dung của dự án; kinh nghiệm xây dựng các mô hình sinh kế về nông nghiệp liên kết với thị trường. Theo đó, đại diện WVV đã trình bày tóm tắt vai trò, nhiệm vụ của các bên liên quan trong dự án

Ảnh 2: Đại diện nhà tài trợ trao biểu trưng số tiền tài trợ cho dự án

Hội thảo đã ghi nhận hơn 20 ý kiến của 15 đại biểu đại diện cho tất cả các thành phần tham dự. Tất cả các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự quan tâm, ủng hộ dành cho dự án. Nhiều ý kiến nhằm tư vấn cho các đơn vị thực hiện về phương pháp, cách tiếp cận để tổ chức thực hiện dự án có hiệu quả và thành công tại địa phương.

Bên cạnh các nội dung chính, hội thảo cũng bố trí nhiều không gian để các xã, thị trấn thiết lập gian hàng và trưng bày các nông sản đặc sản của địa phương. Đây là dịp để người sản xuất giới thiệu sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp.

Ảnh: Các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại Hội thảo

Ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy huyện Nam Giang đánh giá cao nội dung và cách tiếp cận của dự án. Đồng thời, ông Hường có ý kiến chỉ đạo và bày tỏ mong muốn để các bên cùng tham gia thực hiện dự án: “Dự án sẽ đi xa hơn chứ không chỉ dừng lại ở mô hình chăn nuôi heo đen. Các doanh nghiệp cần cùng đồng hành bao tiêu sản phẩm cho người dân Nam Giang.” Ông Hường cũng yêu cầu các phòng ban của huyện, nhất là cấp xã “phải thật sự vào cuộc” cùng dự án. Bí thư huyện ủy khẳng định “Huyện cam kết đồng hành cùng dự án”.

Ảnh: Ông Lê Văn Hường – Bí thư Huyện ủy Nam Giang phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Thay mặt cho đoàn chủ trì, ông A Viết Sơn – phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang đánh giá: Ý tưởng dự án phù hợp với bối cảnh và chủ trương của huyện Nam Giang nhất là trong giai đoạn Nhà nước đẩy cao Chương trình “mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Ông Sơn chỉ đạo cho các phòng ban, các cơ quan chức năng, cơ quan thực hiện dự án tại địa phương phối hợp và hỗ trợ tối đa về chuyên môn, pháp lý để dự án đạt được mục tiêu đề ra.

Hội thảo khởi động dự án đã công bố rộng rãi thông tin đến cộng đồng người hưởng lợi và các đối tác liên quan; và ghi nhận được nhiều ý kiến tham vấn của các bên liên quan để lập kế hoạch triển khai dự án năm thứ nhất tại địa phương.

Ảnh: Các địa biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Dự án do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) và tổ chức Tầm nhìn Thế giới Đức (WVD) tài trợ thực hiện tại các xã Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơơ, Chà Vàl và thị trấn Thạnh Mỹ thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với tổng kinh phí 550,173 EUR. Dự án nhằm mục đích “Cải thiện sinh kế thông qua phát triển chuỗi giá trị heo đen và tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số thuộc vùng dự án”. Dự kiến có khoảng 600 hộ nghèo và cận nghèo tại các xã, thị trấn hưởng lợi sẽ được cải thiện sinh kế và thu nhập tốt hơn thông qua việc áp dụng các kỹ thuật cải tiến trong chăn nuôi./.