Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Vừa qua, vào ngày 14/12/2021, tại xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và Hội Đông y tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Nam Giang tổ chức hội thảo khởi động dự ánThúc đẩy và áp dụng tri thức bản địa về sử dụng cây dược liệu để phòng, trị bệnh trong bối cảnh đại dịch COVID 19 tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án được chương trình tài trợ các dự án nhỏ của quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ thực hiện tại 03 xã Cà Dy, Tà Bhing và xã Zuôih với thời gian thực hiện 18 tháng từ tháng 9 năm 2021 đến tháng 3 năm 2023.

Hội thảo khởi động là cơ hội để giới thiệu tổng thể dự án, thảo luận kế hoạch thực hiện và cơ chế điều phối giữa các đối tác tham gia thực hiện dự án; và nâng cao nhận thức của các bên liên quan về cách thức tiếp cận tổng hợp trong việc bảo tồn nguồn dược liệu và bảo tồn tri thức bản địa trong việc bào chế các bài thuốc đông y. Tham dự hội thảo có các đại diện nhà tài trợ – Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, hội đông y tỉnh Quảng Nam – tổ chức điều hành dự án, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) – cơ quan đồng thực hiện dự án, Ủy ban Nhân dân huyện Nam Giang – địa phương thực hiện dự án, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, lãnh đạo UBND và đại diện cho các nhóm hộ hưởng lợi dự án tại 03 xã Cà Dy, Tà Bhing và xã Zhuôi.

Toàn cảnh cuộc hội thảo khởi động dự án

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Như Chính, chủ tịch Hội đông y tỉnh Quảng Nam, tổ chức điều hành dự án cho biết: “Nam Giang là một trong những huyện miền núi có lợi thế về phát triển cây dược liệu và việc sử dụng nguồn dược liệu để làm thuốc đông y cũng là một nét văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên do áp lực về khai thác, nguồn dược liệu ngày càng giảm. Theo đó, các bài thuốc của đồng bào dân tộc thiểu số cũng thất truyền. Để bảo tồn và phát triển nguồn lược liệu tại địa phương và khôi phục tri thức bản địa trong việc bào chế thuốc đông y, dự án lựa chọn cách tiếp cận tổng thể từ việc phát triển kỹ thuật khai thác và trồng dược liệu, chế biến thuốc đông y, nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, đến việc phát triển thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm”.

Ông Nguyễn Như Chính, Chủ tịch hội Đông y tỉnh Quảng Nam chia sẻ tại buổi hội thảo

Cũng trong hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cho rằng: “Chúng tôi đánh giá cao việc sưu tầm, thu thập và giữ gìn các văn hóa sử dụng cây dược liệu trên địa bàn. Đây là cách tiếp cận rất đúng để nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng và các loài cây quý hiếm. Tuy nhiên công tác bảo tồn và phát triển dược liệu sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đó cần có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan, sự quyết tâm vào cuộc của địa phương mới đảm bảo sự thành công của dự án”.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phát biểu tại buổi hội thảo

Đồng quan điểm như trên, ông Tơ Ngôl Với – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng: “Để phát triển được nguồn dược liệu tại địa phương, đồng thời gắn với bảo tồn, đa dạng sinh học và khôi phục tri thức địa phương trong việc bào chế thuốc đông y, đề nghị cần có sự vào của của các cấp, các ngành liên quan, các đơn vị hỗ trợ phải chặt chẽ, gần gũi với người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân duy trì được mô hình trồng cây dược liệu lâu dài’’

Ông Tơ Ngôl Với – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang phát biểu tại hội thảo

Sau khi đại diện nhóm chuyên gia của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung chia sẻ về kế hoạch thực hiện dự án, hội thảo cũng đã nghe các chuyên gia trình bày và chia sẻ kết quả khảo sát về nguồn dược liệu tại địa phương cũng như những tri thức dân gian được sử dụng để bào chế dược liệu thành các bài thuốc đông y. Cụ thể, số loài dược liệu hiện nay tại huyện Nam Giang chiếm khoảng 70% trong tổng số 823 loài dược liệu đã được định danh của tỉnh Quảng Nam. Cộng đồng người Cơ Tu và người Gié Triêng tại huyện Nam Giang đã sử dụng những loại dược liệu trên để bào chế các bài thuốc đông y phòng và điều trị các bệnh như cảm, sốt, ho, bệnh ngoài da, bệnh đường ruột, và sử dụng cho phụ nữ sau khi sinh. Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng phát hiện một số loài dược liệu chưa thấy công bố trong các tài liệu chuyên ngành hoặc bổ sung công dụng mới như cây Kàgặ – Đa gáo (Ficus callosa) ngọn non dùng trị xơ gan; Cây A Tuông Cruôr – Muồng ngủ (Senna tora): chữa đau thận, đau lưng; cây Đađung – Sắn dây rừng (Pueraria montana) cắt dây thổi lấy dịch cầm máu vết thương. Cũng trong hội thảo các đại biểu tham gia đã trao đổi những ý kiến liên quan đến việc bảo tồn và phát triển dược liệu tại địa phương, những thách thức trong việc thực hiện các hoạt động của dự án, đồng thời những đề xuất để việc thực hiện các hoạt động của dự án có hiệu quả nhất.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc hội thảo các đại biểu đã đồng thuận về kế hoạch triển khai các hoạt động của dự án. Đại diện UBND huyện Nam Giang, các phòng ban liên quan, UBND các xã và các nhóm cộng đồng cam kết sẽ chủ động tham gia, hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức điều hành dự án và các chuyên gia của dự án để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Xem video phỏng vấn tại đây

Quốc Hùng

Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung