Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Ngày 21/3, Hội bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại Học Huế cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và xã hội và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức “Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói” năm 2020 – 2021 với chủ đề “Trẻ em tham gia bảo vệ quyền trẻ em” với sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hoạt động có sự đồng hành của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế (SCI) thông qua dự án “Tăng cường năng lực cho các Tổ chức xã hội về quản trị quyền Trẻ em”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói

năm 2020 – 2021

Trẻ lên tiếng về 6 vấn đề trẻ em quan tâm

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 90 học sinh cấp Trung học Cơ sở đại diện tiếng nói của gần 1.600.000 trẻ em nói riêng trên 09 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến dự, lắng nghe và phát biểu chỉ đạo phiên đối thoại. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, địa phương cùng tham gia diễn đàn này.

Đại diện trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Diễn đàn

Các Sở, ban, ngành liên quan đã cùng có mặt để đối thoại trực tiếp với trẻ em

Diễn đàn được tổ chức với hai phiên: phiên thảo luận vào buổi sáng và phiên đối thoại vào buổi chiều. Với chủ đề “Trẻ em tham gia bảo vệ quyền trẻ em”, trong phiên thảo luận các em mạnh dạn trao đổi sôi nổi, hào hứng đặt các câu hỏi và đưa ra 12 thông điệp, tập trung chủ yếu vào 6 nhóm vấn đề: Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Phòng chống tai nạn thương tích; Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em; Trẻ em với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và Trẻ em lao động sớm

 

Trẻ em tham gia các trò chơi liên quan đến những chủ đề trẻ quan tâm 

Hoạt động ngoài trời khiến các em đến từ các huyện, thị khác nhau làm quen với bạn  nhanh hơn

Nhóm trẻ quan tâm tới chủ đề “Phòng chống tai nạn thương tích “đã có những giây phút khởi động thật hào hứng

Các thúc đẩy viên làm việc tích cực tại Diễn đàn, tạo không gian cho trẻ có cơ hội tự trao đổi, bày tỏ ý kiến

Tại phiên đối thoại, các em bày tỏ mong muốn về việc được lắng nghe và tôn trọng những ý kiến, nguyện vọng của mình; mong muốn các lãnh đạo khuyến khích trẻ em đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tiếp cận môi trường mạng đúng cách, an toàn và hiệu quả; được trau dồi kiến thức và kỹ năng toàn diện để có thể tự bảo vệ nhằm phòng tránh những nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, lợi dụng làm điều xấu trên môi trường mạng. Ngoài ra, các em cần một môi trường sống từ gia đình đến nhà trường và xã hội, luôn được yêu thương, thấu hiểu mà không phải chịu các áp lực do bạo lực thể chất và tinh thần gây ra. Trẻ em cần có điểm vui chơi lành mạnh để phát triển. Qua đây, các em cũng đề xuất những giải pháp để không còn trẻ em bị ngược đãi, bỏ học vì làm việc quá sớm, không còn trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, tai nạn đuối nước, hay tai nạn giao thông.

Không chỉ là mong muốn cá nhân, các nguyện vọng của trẻ trong phiên đối thoại đã cho thấy các em quan tâm tới bạn bè, cuộc sống xung quanh, trong đó có cả những câu hỏi về những vấn đề thời sự như: “Thủy điện nhỏ sẽ gây ra hệ lụy lớn tới môi trường sinh thái nếu trên một lưu vực sông có quá nhiều Thủy điện, nhiều diện tích rừng tự nhiên sẽ bị mất đi. Vậy tỉnh có giải pháp thế nào để cân bằng lại môi trường sống cho các em?” hay “ Tỉnh có thể làm gì để trẻ em được nuôi dạy mà cha mẹ không còn dùng đến các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần?”…

Thúc đẩy viên làm việc hết năng suất để kết nối  các nhóm trẻ là học sinh của nhiều trường khác nhau cùng tham gia nêu ý kiến

Trẻ thảo luận rất nghiêm túc trước các vấn đề trẻ quan tâm

Trẻ cần được lắng nghe, được nói mọi lúc mọi nơi khi cần nói

Trẻ trình bày phần thảo luận với các chủ đề trẻ quan tâm, đề xuất giải pháp gửi tới các lãnh đạo

Học sinh đại diện trẻ em huyện Quảng Điền đặt câu hỏi về với lãnh đạo về giải pháp cân bằng trước các hệ lụy môi trường sống và việc khai thác các Thủy điện nhỏ tại địa phương của các em

Từ những câu hỏi trực tiếp của các em, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan đã lắng nghe, ghi nhận, trả lời thỏa đáng các câu hỏi cũng như chia sẻ, như đồng cảm với những ý kiến mà các em đưa ra. Tại đây, các thông tin về những chương trình hành động cụ thể trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, các công cụ để giúp các em tương tác, bày tỏ tiếng nói về những vấn đề trẻ quan tâm được giới thiệu tới trẻ như phần mềm Hues – dịch vụ Đô thị thông minh, tổng đài Bảo vệ trẻ em 111…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Tân trả lời các câu hỏi của trẻ em

Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời câu hỏi chất vấn của trẻ em

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, “Sáu vấn đề các em nêu cũng là sáu vấn đề xã hội quan tâm. Các thông điệp, kiến nghị của trẻ em xác đáng, thiết thực. Nếu một năm tổ chức một diễn đàn thì quá ít ỏi, nói diễn đàn to tát vậy thôi nhưng khi các em muốn nói các em cần được nói mọi nơi mọi lúc khi cần nói. Quan trọng nhất không chỉ đến diễn đàn mới nói, bản thân tôi nghĩ chúng ta cần thay đổi về tư duy, bố mẹ phải thay đổi, thầy cô thay đổi, các cơ quan quản lý của chúng ta phải thay đổi về nhìn nhận các vấn đề cần gắn với trẻ em là điều quan trọng nhất. Để các em có thể nói tiếng nói của mình về việc hàng ngày các em phải gánh chịu trong học tập, sinh hoạt, trong ứng xử xã hội. Nhà trường tổ chức nhiều đối thoại trẻ em, lắng nghe từ tổ, từ lớp, từ trường. Vấn đề của các em hôm nay sẽ là vấn đề của chúng ta mai sau.”

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận 12 thông điệp từ học sinh trước 6 vấn đề trẻ quan tâm

Với các thông điệp nêu ra, Chủ tịch UBND cho rằng: Các em đã nêu ý kiến một cách có trách nhiệm tại diễn đàn. Các ý kiến này sẽ được gửi tới các Sở, ban, ngành liên quan, được cụ thể hóa trong kế hoạch hành động để có những giải pháp thực hiện tốt nhất trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Từ đây những vấn đề đang còn tồn tại ở các em sẽ được nhìn nhận thấu đáo, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, tâm tư để phát triển thể lực, trí lực và tinh thần, bồi dưỡng tình yêu đối với văn hóa truyền thống làm hành trang cho các em sẵn sàng để phát huy tài năng, hội nhập với thế giới, có khát vọng cống hiến và trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Bên cạnh hoạt động chính là đối thoại, ban tổ chức đã triển lãm, trình chiếu và tiến hành trao 12 phần quà cho 12 cá nhân, tập thể có tác phẩm đạt giải cuộc thi “Thông điệp yêu thương gửi người lớn”.

Trao quà cho các cá nhân, tập thể đạt giải cuộc thi Thông điệp yêu thương gửi người lớn

Giám đốc CRD, Tiến sĩ Trương Quang Hoàng trao quà cho các em tham dự Diễn đàn 

Thông điệp ngày “Chủ Nhật Xanh” được Chủ tịch UBND tỉnh gửi gắm và trao vào tay thế hệ trẻ 

Cũng tại Diễn đàn, thông qua món quà “Chủ nhật xanh”, Chủ tịch tỉnh đã gửi gắm thông điệp “Chỉ cần nhặt một cọng rác bạn đã làm cho Huế sạch hơn” tới tất cả trẻ em, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội đến tham dự.

Các đại biểu trẻ em vui vẻ khi được chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khi kết thúc diễn đàn thành công

Ban tổ chức diễn đàn lắng nghe trẻ em nói đã có những kỷ niệm khó quên 

Bảo Hòa