Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Ngày 17 và 25/12, “Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam” đã tổ chức hai buổi chia sẻ về “Tiến trình thực hiện Hiệp định đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm Luật, Quản trị rừng và thương mại Lâm sản (VPA-FLEGT).

Buổi chia sẻ với các cơ quan nhà nước tại Quảng Trị

Hoạt động được tài trợ bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) do Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị thực hiện.

Buổi chia sẻ cho các doanh nghiệp

Hoạt động nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin cho các cơ quan và đơn vị góp phần thúc đẩy sự tham gia vào tiến trình thực hiện Hiệp định hiệu quả. Đây là hoạt động có ý nghĩa sau 06 năm đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EU) được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

Khoảng 40 tham dự viên là lãnh đạo và cán bộ đến từ các cơ quan, ban, ngành liên quan cấp tỉnh cùng các tổ chức xã hội tại tỉnh Quảng Trị, hộ trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tham gia vào 2 buổi chia sẻ này.

Tại các buổi chia sẻ, diễn giả Nguyễn Tường Vân – Phó ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam đã “Giới thiệu về Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU”. Bà Vân đã cung cấp những thông tin mới nhất về tiến trình đàm phán và thực hiện VPA/FLEGT; Cơ chế giám sát và đánh giá tác động Hiệp định VPA/FLEGT; Vai trò của các tổ chức xã hội trong quá trình thực thi của Hiệp định VPA/FLEGT, … Từ thông tin chia sẻ của mình, bà Vân cùng các tham dự viên đã thảo luận những vấn đề và chia sẻ kinh nghiệm, công việc địa phương cần chuẩn bị để tham gia hiệu quả trong quá trình thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT.

Bà Nguyễn Tường Vân trình bày tại buổi chia sẻ kinh nghiệm

Với bài trình bày “Thương mại gỗ toàn cầu & phát triển công nghiệp gỗ Việt Nam”, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) đã trao đổi về những vấn đề tồn tại và thách thức của doanh nghiệp/hộ kinh doanh và Doanh nghiệp/hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời, ông cùng tham dự viên xác định một số việc cần làm để thực hiện trách nhiệm giải trình, tuân thủ VNTLAS và tăng cường phòng vệ thương mại để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp.

Hoạt động không chỉ cung cấp và chia sẻ thông tin mà còn góp phần xác định vai trò các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo, phản biện chính sách và giám sát tác động của việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Bên cạnh đó, các buổi chia sẻ cũng tăng cường sự kết nối giữa các tổ chức xã hội với các cơ quan, tổ chức liên quan tại địa phương và hộ trồng rừng, doanh nghiệp nhỏ từ đó, từng bước thực hiện hiệu quả hơn các yêu cầu về gỗ hợp pháp theo Hiệp định VPA/FLEGT.

Các cơ quan quản lý nhà nước tại Quảng Trị chụp ảnh lưu niệm