Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Từ ngày 24-27/02/2022 vừa qua, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plong triển khai một số hoạt động nhằm thống nhất diện tích giao rừng cho cộng đồng tại xã Đăk Nên năm 2022. Chuỗi hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếp cận quản lí, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” do Liên minh châu Âu tài trợ.

Hoạt động này là bước đầu tiên trong tiến trình thực hiện Giao đất giao rừng có nguồn gốc từ các Nông – lâm trường quốc doanh cho cộng đồng dân tộc thiểu số quản lý ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên theo hướng bền vững.

Để thống nhất diện tích rừng sẽ giao cho cộng đồng, dự án đã triển khai 02 hoạt động nối tiếp nhau. Hoạt động đầu tiên là tổ chức 01 cuộc họp cấp xã với sự tham gia của 21 đại biểu (trong đó có 1 đại diện của Phòng NN&PTNT huyện, 3 đại diện của UBND xã, 2 đại diện của đơn vị tư vấn cùng với 15 người dân đại diện cho 8 cộng đồng thôn của xã Đăk Nên). Mục đích của cuộc họp là thống nhất vị trí, diện tích rừng dự kiến giao đồng thời lựa chọn cộng đồng sẽ nhận rừng. Kết quả cuộc họp đã thống nhất lựa chọn 02 thôn là Tu Rét và Tu Thôn để giao rừng với tổng diện tích hơn 300 ha thuộc tiểu khu 372.

Hình 1: Cuộc họp thống nhất diện tích thực hiện giao đất giao rừng giữa các cộng đồng tại xã Đăk Nên

Hình 2: Tư vấn trình bày vị trí, diện tích rừng dự kiến giao trên bản đồ tại cuộc họp

Để đánh giá hiện trạng rừng trên thực tế, dự án cũng đã phối hợp cùng các bên liên quan bao gồm Phòng NN&PTNT, UBND xã, đơn vị tư vấn và 2 cộng đồng thôn Tu Rét và Tu Thôn đi khảo sát thực địa đối với các diện tích rừng dự kiến giao. Qua đó, nhận thấy diện tích rừng được lựa chọn là rất phù hợp để cộng đồng có thể quản lý tốt vì đây là diện tích rừng đang được chi trả dịch vụ môi trường rừng; giáp ranh với diện tích rừng cộng đồng đã được giao trước đây và vị trí không quá xa so với khu dân cư.

Hình 3: Nhóm khảo sát đi thực địa trên diện tích rừng thuộc xã Đăk Nên

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếp cận quản lí, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” do Liên minh châu Âu tài trợ. Dự án được điều phối bởi Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) đồng phối hợp thực hiện với Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) trên địa bàn 02 tỉnh Lào Cai và Kon Tum.

Một số hình ảnh khác

HÌnh 4: Nhóm khảo sát sử dụng smartphone để xác định vị trí khu rừng trên bản đồ

Hình 5: Khó khăn trên đường di chuyển

Việt Tiến

Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung