Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

“… Gia súc, gia cầm ở đây hàng năm bị dịch chết nhiều lắm. Bà con  được ăn tết sớm (gà, vịt chết dịch) là chuyện bình thường, … người dân biết thiệt hại đó nhưng không có cách khắc phục nên  đành chịu thôi, … “ Đó là những chia sẻ thường gặp tại mảnh đất Ba Tơ này. Điều này đã phản ánh đúng thực trạng tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi của người dân nơi đây.

Bốn xã gồm Ba Bích, Ba Dinh, Ba Tô và Ba Xa là những xã thuộc huyện Ba Tơ đang triển khai hoạt động dự án thuộc chương trình Thích ứng Biến đổi khí hậu lấy Trẻ em làm trọng tâm do AusAID tài trợ tại tỉnh Quảng Ngãi. Một trong những hoạt động quan trọng can thiệp trong lĩnh vực chăn nuôi đó là khâu chăm sóc nuôi dưỡng. Chính vì thế, việc nâng cao kiến thức và tay nghề cho đội ngũ thú y thôn và xã  nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại các xã dự án để giảm thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây nên là một trong những hoạt động mà cán bộ và người dân quan tâm lớn.

Là một trong những học viên của khóa đào tạo, anh đã có những tiến bộ nhanh trong việc áp dụng tốt những kiến thức thú y được học vào trong sản xuất của gia đình mình. Anh tên Phạm Văn Kiên, 43 tuổi người dân tộc H’re ở thôn Nước Lang, xã Ba Dinh huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi. Cũng như các học viên khác trước khi đến với lớp học, những kiến thức về thú y của anh rất sơ khai và hạn chế. Mặc dù vậy nhưng với  sự cần cù ham học hỏi cùng với sự nhiệt tình chỉ bảo từ giáo viên đến nay anh đã khá thành thạo đối với những kỹ thuật cơ bản trong thú y như cách sử dụng dụng cụ, cách pha thuốc, cách tiêm đúng, cố định gia súc, … rất nhiều thứ anh đã học được từ lớp học này. Anh nói “dịch bệnh hiện nay nhiều lắm, năm nào cũng vài đợt dịch nên gia súc gia cầm chết liên miên. Nhà mình cũng bị mà không có cách nào phòng chữa được nên mình rất buồn”. Trước khi đến với lớp học thú y mà dự án tổ chức anh không thể biết con nghé con nhà anh nó bị làm sao mà cứ gày còm mãi, các con mẹ thì mặc dù chăm sóc hết mình mà không thể béo lên được, lông cứ rụng dần hết, dáng đi xiêu vẹo, … Mặc dù không biết bệnh gì nhưng anh cũng đã chạy hỏi nhiều chỗ, mua một vài thứ thuốc theo lời khuyên về thử nhưng chúng cũng không làm cho đàn trâu khỏe mạnh lại.  Khi có lớp học anh liền mời cả lớp về nhà anh thực hành và mọi thứ đã sang tỏ nhiều điều mà trước giờ anh chưa bao giờ nghĩ đến. Thực ra thì trâu nhà anh không phải bị ma ám, không phải bị bệnh gan như người đồng bào thường nói mà là do bệnh ký sinh trùng mang tên “con ghẻ” đã tấn công cả đàn trâu nhà anh. Chúng cứ bám chặt vào da để ký sinh làm kiệt sức vật chủ. Chuồng trại nhà anh cũng không đảm bảo, môi trường bẩn nên tốc độ lây lan gây hại nhanh và nặng làm cho cả đàn xuống sức thấy rõ. Anh nói “cứ tưởng trâu nhà mình vô phương cứu chữa ai nghờ chỉ cần 1-2 mũi tiêm đúng chỗ kết hợp vệ sinh chuồng trại thì các con ghẻ sẽ chết hết. Ngoài chuyện bị “ghẻ” thì các con giun ký sinh trong ruột hút hết dinh dưỡng của trâu cũng cần phải được loại bỏ bằng cách tiêm thuốc. Thì ra là có tới hai loại ký sinh trùng gây hại khủng khiếp như vậy mà trước kia chẳng ai dám nghĩ đến!”  

Mong ước mở dịch vụ thú y để giúp đỡ cộng đồng
Mong ước mở dịch vụ thú y để giúp đỡ cộng đồng

 

 

Không chỉ dừng lại chuyện sử dụng thành thạo các dụng cụ thú y, nhận biết các loại bệnh trên gia súc và đưa ra các phòng trị. Nhờ chăm chỉ thực hành, anh là một trong những học viên xuất sắc trong việc thiến hoạn cả heo nái và heo thịt mà không chảy máu, không nhiễm trùng. Đó là việc mà anh rất mừng khi trước đây việc thiến hoạn tại đây heo rất hay bị chế do nhiễm trùng vết mổ.

Không chỉ tiếp thu kiến thức thú y để phục vụ chăn nuôi trong gia đình minh. Anh có mong ước là sẽ tiếp tục học nâng cao về nghề thú y hơn nữa để có thể làm dịch vụ thú y trong thôn/xã mà anh đang sinh sống. Anh vui vẻ tâm sự “ …trước mắt mình sẽ áp dụng những kiến thức được hoc vào chăm sóc đàn heo, đàn trâu nhà mình. Năm sau khi tay nghề đã chắc mình sẽ tổ chức dịch vụ thú y để giúp bà con để không còn phải sợ dịch bệnh hay những ca chấn thương như trước đây nữa … ”

Đối với khóa tập huấn, những học viên như anh là minh chứng cho sự thành công của khóa học. Còn đối với dự án thì những kiến thức anh và các học viên khác được học sẽ giúp ích rất nhiều cho cộng đồng để đối phó với dịch bệnh nhằm phát triển chăn nuôi tốt hơn. Hy vọng, sau này anh có thể phát triển được những ý tưởng như anh nói thì quả là một điều thật tuyệt vời. /.

Đỗ Cao Anh – Phan Công Tam (cán bộ kỹ thuật của CRD tại Ba Tơ Quảng Ngãi)

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x