Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2021, dự án “Nông nghiệp liên kết hướng đến thu nhập bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số” (dự án BMZ) đã tổ chức khóa tập huấn “Thú y nâng cao” cho cán bộ thú y các cấp của huyện Nam Giang. Hoạt động này do Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) cùng Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang phối hợp thực hiện.

Toàn cảnh lớp tập huấn tại huyện Nam Giang (chuyên đề 2)

Khóa học nhằm mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị một số bệnh phổ biến ở heo và trâu, bò cho đội ngũ thú y của xã, huyện. Thông qua đó, đội ngũ học viên này khi có đủ năng lực sẽ quay lại cung cấp dịch vụ Thú y cho cộng đồng tại địa phương, nhất là 600 hộ chăn nuôi heo đen – đối tượng hưởng lợi trực tiếp của dự án.

Trên cơ sở mục đích này, dự án đã chọn lựa và tập huấn cho 24 học viên thuộc 05 xã, thị trấn hưởng lợi của dự án (Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơơ, Chà Vàl và thị trấn Thạnh Mỹ) – vượt chỉ tiêu 09 người so với kế hoạch. Khóa học được tổ chức trong thời gian 9 ngày và chia thành 3 đợt ứng với các nội dung khác nhau.

Một số nội dung chính được các tập huấn viên chuyển tải, huấn luyện cho các học viên như: Kỹ năng truyền thông và phương pháp tập huấn cho học viên lớn tuổi, học viên dân tộc thiểu số; Kỹ năng sử dụng bộ dụng cụ thú y; Nhận biết các loại thuốc thú y và phương pháp đưa thuốc vào có thể gia súc; Sử dụng thuốc sát trùng và thực hành sát trùng chuồng trại; Các bệnh truyền nhiễm ở lợn; Phương pháp chẩn đoán bệnh ở lợn; Bệnh nội khoa ở lợn: Bệnh phân trắng lợn con; Hội chứng tiêu chảy và mất nước ở lợn; Bệnh ký sinh trùng ở lợn; Bệnh sản khoa ở lợn; một số bệnh ngoại khoa.

Phương pháp tập huấn lấy người học làm trung tâm, đào tạo lý thuyết kết hợp với thực thành đã được áp dụng linh hoạt và mang lại hiệu quả cao cho lớp học. Cùng với việc học lý thuyết tại phòng học, các học viên được tham gia các buổi thực hành để nắm rõ lý thuyết và rèn luyện kỹ năng trong chẩn đoán bệnh, phun tiêu độc khử trùng, mổ, khâu vết thương, bó bột, truyền nước, …

Học viên thực hành cách sử dụng bình phun và phun tiêu độc khử trùng

Học viên thực hành chẩn đoán bệnh cho heo đen

Học viên thực hành sử dụng dụng cụ thú y

Học viên khâu vết thương trên dụng cụ thực hành

Tổng kết lớp tập huấn thú y nâng cao chuyên đề 1

Sau mỗi đợt tập huấn, tất cả các học viên đã tiến hành làm bài kiểm tra để  dự án làm cơ sở đánh giá về sự tiến bộ của mỗi học viên trước và sau khi được tập huấn. Điểm số trung bình các bài kiểm tra được tổng hợp từ các đợt đánh giá cho thấy, có khoảng 15 học viên (những học viên có điểm trung bình trên 8,5 điểm) đủ năng lực để cung cấp các dịch vụ thú y cho cộng đồng tại địa phương. Các học viên này đã được dự án cung cấp các túi thú y để họ có thể tác nghiệp tại cộng đồng. Đặc biệt, những cán bộ này có thể tham gia dự án BMZ với tư cách là cộng tác viên về chăn nuôi thú y nhằm giúp cho 600 hộ hưởng lợi của dự án về phát triển chăn nuôi heo đen. Chúng tôi hy vọng rằng, đội ngũ nhân sự này sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu của các hộ hưởng lợi về dịch vụ thú y địa phương, đóng góp tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi tại địa phương và góp phần giảm tỷ lệ heo chết do dịch bệnh tại vùng dự án.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án “Nông nghiệp liên kết hướng đến thu nhập bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số” do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Bang Đức (BMZ) và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Đức (WVD) tài trợ thực hiện. Dự án do CRD và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (WVV) điều phối thực hiện với mục tiêu “Cải thiện sinh kế thông qua phát triển chuỗi giá trị heo đen và tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số”. Dự án dự kiến được thực hiện từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 9 năm 2022./.

Đinh Nhật Sơn

Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, Đại học Nông Lâm, Đại học Huế