Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Con đường đất đỏ nối liền 13 thôn của xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) hầu như chẳng thấy bóng TN. Một lão nông buồn bã: “Làm gì còn TN mà tìm, chúng nó dắt díu nhau vào Nam làm ăn hết rồi. Giờ trong thôn chỉ còn người lớn tuổi và trẻ em…”.

“Cái nghèo bắt nó đi thôi!”
Ông Trần Đình Hường, chủ tịch huyện Nam Đàn, cho hay cả huyện có 24 xã đều thuần nông. Quỹ đất nông nghiệp lại ít nên mỗi lao động chẳng được đáng bao nhiêu đất làm nghề, mà có đi chăng nữa thì nông vụ có kỳ, làm vài ba buổi là hết việc. Xã gần như không có nghề gì đặc thù. Định hướng là có thể phát triển kinh tế trang trại nhưng lại khó khăn về vốn. TN trong huyện hầu như đều tìm đường làm ăn xa, người ở lại bây giờ chỉ còn CBCNVC, người về hưu và học sinh.

Ông Phạm Mẫu Tùng, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện, cho biết thêm: “TN ở huyện này nếu không đi học thì cũng tìm đường đi XKLĐ hoặc vào Nam làm ăn. Như xã Nam Lĩnh, TN trong xã hầu hết theo một ông chủ (cũng người trong xã) vào Nam bán bia hơi”. Theo ông Tùng, cả huyện tính ra có hơn 10.000 lao động bỏ làng đi làm ăn xa, khoảng 6.000 TN đi XKLĐ.

Không chỉ huyện Nam Đàn, dọc vùng quê các tỉnh miền Trung đều có chung tình cảnh. Trên con đường nhỏ dẫn vào làng muối Hậu Lộc của xã Hỗ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chúng tôi gặp cụ bà Trần Thị Cơ (73 tuổi) đang gò lưng đẩy chiếc xe cút kít chất đầy củi. Hai đứa trẻ tầm 8-12 tuổi lẽo đẽo chạy sau lưng bà. Con trai cùng con dâu của cụ đang làm thuê tận Đắc Lắc. “Chúng nó đi cả năm trời không về, con cái, nhà cửa đều để lại cho tôi trông… Khổ, cái nghèo bắt nó đi thôi…” – cụ Cơ than thở.

Một cán bộ ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết đa số TN vào Nam tìm việc ở các KCX-KCN hoặc lên vùng Tây nguyên làm cà phê. Gần đây lại rộ lên phong trào đi Thái Lan làm ăn nên các xã vùng quê đã vắng lại thêm đìu hiu.

Hình ảnh ở xóm Sơn Lĩnh 1, Sơn Lĩnh 2 thuộc xã miền núi Thanh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) khiến chúng tôi ngỡ ngàng, một đám ma chỉ toàn người già khiêng.  Hỏi ra mới vỡ lẽ vì không có TN ở  nhà nên để cho công bằng mọi người quy định “miệng” cứ gia đình nào có người chết thì tám người ở tám gia đình khác nhau sẽ khiêng. Cứ thế quay vòng.

Các KCN miền Trung: thưa thớt công nhân

Đầu những năm 2000, hàng loạt dự án KCN dọc các tỉnh miền Trung triển khai với hi vọng giải quyết công ăn việc làm cho lao động tỉnh nhà, thu hút TN trở về quê nhà. Nhưng khi KCN dọc các tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An mọc lên thì không có nhà đầu tư hoặc chỉ lèo tèo vài nhà máy hoạt động cầm chừng.

Chúng tôi ghé vào nhiều trung tâm giới thiệu việc làm ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… TN đến đây tìm việc chủ yếu hỏi thăm tình hình XKLĐ và cơ hội xuôi Nam. Chẳng mấy ai mặn mà hỏi thăm việc làm tại địa phương vì hầu như các KCN dọc các tỉnh miền Trung hiện rất ít nhà đầu tư.

Tại Quảng Bình, KCN Tây Bắc Đồng Hới và KCN Hòn La  cũng chỉ thu hút được hai nhà máy hoạt động với vài trăm công nhân, trong khi mỗi năm có 16.000 – 19.000 người bước vào độ tuổi lao động. Một cán bộ Trung tâm GTVL TN tỉnh Quảng Bình cho hay mỗi năm chỉ giải quyết được khoảng 30% việc làm tương ứng với con số nói trên, mà chủ yếu là tạo việc làm tại chỗ và lao động tự do.

Riêng tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mỗi năm có khoảng 70.000 người bước vào độ tuổi lao động, nhưng giải quyết việc làm tại chỗ chưa đến 1/3. Dọc các  KCN Nam Cấm,  Bắc Vinh (KCN lớn nhất của tỉnh Nghệ An) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), đâu đâu cũng  thưa thớt nhà máy hoạt động. Còn các KCN khác ở Hà Tĩnh như: Khu kinh tế Cầu Treo, Thạch Khê… đang trong quá trình tiềm năng nên chưa thể giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.

Ông Nguyễn Đăng Dương, trưởng phòng lao động tiền lương – tiền công Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, cho biết hầu như các KCN dọc các tỉnh miền Trung mở ra nhưng không thu hút được nhà đầu tư. Chỉ lèo tèo vài nhà máy hoạt động nên giải quyết việc làm tại chỗ rất hạn chế, việc khuyến khích lao động đi vào các tỉnh khu vực phía Nam vẫn là lựa chọn số một. “Có lần chúng tôi vào Bình Dương khảo sát và nắm tình hình lao động, nhận thấy các lao động sống kham khổ quá nhưng cũng chỉ biết động viên họ ở lại chứ về quê bây giờ cũng… thất nghiệp” – ông Dương buồn rầu nói.

“Nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên. Huy động nhiều nguồn lực xã hội, đầu tư ngân sách thỏa đáng để đẩy mạnh dạy nghề, phổ cập sơ cấp nghề cho thanh niên. Hoàn thiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm; có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt các kỹ thuật cao; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường lao động; tín dụng ưu đãi cho thanh niên vay tạo việc làm, lập nghiệp; khuyến khích thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài… ”

(Trích nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008)

Theo thế giới nghề nghiệp

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x