Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

 “Sự sáng tạo đòi hỏi phải có can đảm buông tay khỏi những điều chắc chắn” (Erich Fromm). Điều chắc chắn mà người dân xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) thường làm khi sản xuất lạc là mua giống từ Nghệ An và Tây Nguyên. Nhưng vụ hè thu năm nay, hợp tác xã Hòa Mỹ mạnh dạn đưa ra sáng kiến về lạc trái vụ nhằm giảm chi phí và chủ động về giống. Đến nay, sáng kiến thách thức này bước đầu đã có thành quả.

Cười tươi trên đồng lạc

Đã cuối tháng 9, nắng nóng vẫn gay gắt. Thế nhưng, 4 sào lạc của gia đình bà Hồ Thị Hạnh được dự án “Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới” do Irish AID tài trợ và Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung thực hiện phát triển khá tốt.

“Hạt lạc chắc nịch, lạc này mà làm giống thì vụ sau gia đình mình thắng lợi to bà ơi” vừa nhổ lạc lên, bóc hạt cho những người khác xem ông Nguyễn Ngọc Thạnh (chồng bà Hạnh) vừa phấn khởi nói.

Niềm vui thu hoạch lạc giống cả 2 vợ chồng bà Hạnh
Niềm vui thu hoạch lạc giống cả 2 vợ chồng bà Hạnh

Theo bà Hạnh, hằng năm bà phải đặt mua 40 kg lạc thịt từ Đắc Lắc, tốn gần 2 triệu đồng tiền giống mà chất lượng thì lúc được lúc không.

Ông Ngô Văn Phận, chủ nhiệm hợp tác xã cho chúng tôi biết: hằng năm, hợp tác xã phải bỏ ra từ 160 -200 triệu đồng cho việc mua lạc giống. Do thời tiết khắc nghiệt, không thể trồng lạc vụ hè thu mà để sang vụ thì lạc bị chảy dầu. Bấy lâu nay những người nông dân nghèo của Phong Mỹ lại mất thêm khoản tiền không nhỏ cho đầu vào và đối mặt với nhiều rủi ro trong sản xuất.

“Chỗ có nguồn nước năng suất đạt 40 – 50 kg/ 1 sào, chỗ thiếu nước tưới cũng đạt tới 30 -40 kg/1 sào. Như vậy, nếu duy trì không chỉ giải quyết lạc giống cho gia đình mà có thể mở ra hướng kinh doanh khi thị trường lạc giống trong khu vực có nhu cầu cao” ông Hoàng Tiên, một người dân chia sẻ.

Khó cũng không chịu thua

Mô hình sản xuất lạc giống được sự hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật từ dự án. Lạc được gieo với nhiệt độ ngoài trời từ 40 – 42 độ C giữa tháng 6. Sau lần gieo hạt thất bại lại làm tiếp, người dân đã tự mở ra cho mình hi vọng về vụ mùa không cần mua lạc giống.

Ông Ngô Thanh Tranh, người dân đội 1 xã Phong Mỹ khẳng định: “Ra tháng chạp, gia đình tôi thường kẹt tiền. Đã kẹt tiền mà còn phải tốn đến 7 triệu đồng tiền mua lạc giống. Nhiều năm, tôi không biết xoay xở ở đâu nên đành vay mượn. Biến đổi khí hậu, trời mùa hè ngày càng nóng bức cây gì nó cũng khó sống chứ không riêng gì lạc. Nhưng khó cũng phải làm, thất bại cũng không chịu thua. Mong sao, dân chúng tôi có thêm máy sấy lạc để bảo quản. Vì thời điểm thu hoạch lạc lại vào mùa mưa”. Sau đợt gieo thứ 2 gia đình ông Tranh đạt 35kg lạc thịt/1 sào.

Ông Ngô Thanh Tranh trao đổi với chuyên gia về lạc trường ĐH Nông Lâm
Ông Ngô Thanh Tranh trao đổi với chuyên gia về lạc trường ĐH Nông Lâm

Những tín hiệu đáng mừng này sẽ không thể có được nếu người dân vẫn giữ cách làm cũ, còn dự án vẫn đưa mô hình ý tưởng có sẵn về cho dân làm như từ trước tới nay. Sáng kiến xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của người dân và kết quả hôm nay là kết quả của sự nỗ lực và mong đợi của người dân xã Phong Mỹ.

Bảo Hòa

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x