Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Ngày 28 tháng 10 năm 2021, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em được tổ chức Cứu trẻ trẻ em (SC) tài trợ. Hội thảo đánh dấu sự kết thúc hành trình 5 năm thúc đẩy thực thi có hiệu quả công ước Quốc tế và Luật bảo vệ trẻ em Việt Nam với hàng trăm hoạt động dự án trên địa bàn 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Hơn 60 tham dự viên từ các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng, trường học. Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có các em là đại diện cho hàng ngàn học sinh hưởng lợi từ dự án. Các thành viên trong mạng lưới Quản trị quyền trẻ em miền Trung đã tham gia Hội thảo dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Dự án được thực hiện từ tháng 7 năm  2017 đến tháng 10 năm 2021 trên 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp của dự án là trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em thiệt thòi, thanh thiếu niên có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em đồng tính, song tính và chuyển giới, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới, bắt nạt và trừng phạt thể chất và tinh thần. Ngoài ra, các tổ chức xã hội là đối tác tham gia dự án cũng là đối tượng hưởng lợi chính của dự án này.

Dự án đã thành lập 01 mạng lưới Quản trị quyền trẻ em miền Trung bao gồm 12 các tổ chức xã hội, 12 câu lạc bộ tại trường học và cộng đồng. Ngoài ra, CRD đã tổ chức được 10 lớp tập huấn, 4 hội thảo, 1 chuyến tham quan thực tập và 15 hội nghị chuyên đề cho mạng lưới Quản trị quyền trẻ em.

Các buổi tuyên truyền lồng ghép về quyền trẻ em đến các vùng của dự án cũng được CRD phối hợp thực hiện cùng các tổ chức mạng lưới như: Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình; hội Phụ nữ tỉnh Quảng Trị; hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế; dự án “Bóng đá cộng đồng” (FFAV); trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng; trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam để tổ chức các hoạt động truyền thông, đối thoại, phiên tòa giả định, cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông. Ngoài ra, CRD hỗ trợ thực hiện các sáng kiến cộng đồng với mục tiêu thúc đẩy phương pháp giáo dục tích cực để chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em.

Dự án đã mở ra một chặng đường mới trên hành trình thúc đẩy thực thi có hiệu quả công ước Quốc tế và Luật bảo vệ trẻ em của Việt Nam

Một trong những kết quả nổi bật mà CRD đã đạt được là trẻ em được tham gia cùng các cơ quan Nhà nước thông qua mạng lưới các tổ chức xã hội  nhằm yêu cầu chính phủ thực hiện các hành động về quyền trẻ em. Kết quả này được thể hiện thông qua một hoạt động nổi bật của CRD phối hợp thực hiện cùng các các tổ chức mạng lưới, đó là các diễn đàn trẻ em các cấp. Với mục tiêu đưa ý kiến, suy nghĩ, nguyện vọng và khuyến nghị của trẻ em về những vấn đề liên quan tới trẻ, những vấn đề mà các em quan tâm đến các cơ quan quản lý nhà nước và nhận được các phản hội cụ thể từ lãnh đạo các ban ngành liên quan​. Cụ thể, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, 90 học sinh cấp trung học cơ sở đại diện tiếng nói của gần 1,6 triệu trẻ em nói riêng trên 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã đối thoại trực tiếp và nhận được các phản hội cụ thể từ lãnh đạo các ban ngành liên quan tại Diễn đàn trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ chủ trì. Tại thành phố Tam Kỳ, các học sinh đại diện cho trẻ em 13 xã phường trên thành phố cũng đã tham gia diễn đàn trẻ em các năm 2019, 2020 và 2021 cùng đại diện các phòng ban. Trong đó có phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ – ông Nguyễn Hồng Lai. Đặc biệt thông qua Diễn đàn này, những khuyến nghị của trẻ em đã được lãnh đạo thành phố tiếp nhận và phản hồi thông qua công văn số 2343/UBND-LDTBXH ngày13/9/2021 của UBND TP Tam Kỳ về việc tập trung giải quyết các khuyến nghị của trẻ em.

Công văn số 2343/UBND-LDTBXH ngày13/9/2021 của UBND TP Tam Kỳ về việc tập trung giải quyết các khuyến nghị của trẻ em trong Diễn đàn trẻ em 2021

Tại hội thảo, bà Đặng Thị Lan Anh – Điều phối viên dự án đã báo cáo các kết quả nổi bật mà dự án dã đạt được. Cụ thể, thông qua việc xây dựng và phát triển mạng lưới Quản trị quyền trẻ em miền Trung, các tổ chức xã hội (TCXH) tại miền Trung đã được nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác để cùng nhau tổ chức các diễn đàn đối thoại giữa trẻ với các cơ quan chức năng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến đảm bảo quyền của trẻ và tích cực vận động xoá bỏ hoàn toàn tình trạng trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ. Bên cạnh đó, thông qua các TCXH, trẻ em được tham gia đối thoại cùng các cơ quan Nhà nước nhằm đảm bảo các hành động thực thi quyền trẻ em được thực hiện; cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc trẻ đã hiểu rõ hơn về hậu quả của việc trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ và áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực để thay thế cho các hình thức kỷ luật truyền thống trong nuôi dạy trẻ.

Cũng tại hội thảo này, đại diện các câu lạc bộ bố mẹ như bà Trần Thị Đào – đại diện câu lạc bộ Cha mẹ tốt phường Kim Long, đại diện ban giám hiệu nhà trường có ông Ngô Hoàng Giang – Hiệu trưởng trường THCS Thủy Phù, bà Nguyễn Thị Hoa Phượng – Phó hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng đã trình bày kết quả và chia sẻ bài học kinh nghiệm từ những mô hình tiêu biểu của dự án bao gồm: đối thoại học đường, câu lạc bộ cha mẹ tốt, tăng cường sự tham gia của trẻ em vào việc thực hiện đánh giá xã, phường phù hợp với trẻ em, trẻ em tham gia vào xây dựng và giám sát các công trình dành cho trẻ em… Thông qua đó, các đại biểu tham gia hội thảo sẽ có sự hiểu biết tốt hơn về cách thực hiện, cũng như làm cơ sở để nhân rộng các mô hình trên.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hoa Phượng – Phó Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng và ông Ngô Hoàng Giang – Hiệu trưởng Trường THCS Thuỷ Phù cho biết, nhà trường sẽ chú trọng duy trì các hoạt động thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của học sinh như Đối thoại học đường, sinh hoạt Câu lạc bộ trẻ em hay tham vấn ý kiến của trẻ trong các hoạt động của trường nhằm mục tiêu xây dựng một môi trường học đường hành phúc, an toàn và cởi mở đối với trẻ.

Tiến sĩ Trương Quang Hoàng – Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung khẳng định: “Dự án đã kết thúc, tuy nhiên sứ mệnh của dự án sẽ không ngừng lại. Trong 5 năm vừa qua, dự án đã đặt nền móng vững chắc cho mục tiêu thúc đẩy thực thi có hiệu quả công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và Luật bảo vệ trẻ em của Việt Nam.” Tin chắc rằng, những thành quả mà dự án đạt được sẽ tiếp tục được phát huy, kế thừa và nhân rộng nhằm góp phần thúc đẩy xây dựng một cuộc sống an toàn và hạnh phúc đối với trẻ em.

Nhân dịp này, dự án cũng đã gửi lời tri ân đến các tổ chức, cá nhân và trường học là thành viên tích cực của mạng lưới Quản trị quyền trẻ em miền Trung (CCRG) đã đồng hành cùng dự án từ những ngày đầu và hy vọng rằng CCRG vẫn sẽ tiếp tục hoạt động tích cực với sứ mệnh thúc đẩy thực thi quyền trẻ em một cách đầy đủ và hiệu quả tại miền Trung Việt Nam.

Ban tổ chức trao hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

 

Quốc Hùng

Trung tâm Phát triển Nông Thôn miền Trung