Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Năm 2019, xã Hương Nguyên (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) ghi nhận không xảy ra trường hợp phá rừng nào. Một xã nằm trong cả vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn Sao La đời sống còn nhiều khó khăn… vốn là điểm nóng về phá rừng thì đây chính là “quả ngọt đầu mùa” từ công tác quản lý bảo vệ rừng do cộng đồng chủ động liên kết thực hiện.

Sống nhờ “của” rừng

Anh Trần Văn Phúc (37 tuổi, thôn A Rí, xã Hương Nguyên) cũng như bao nhiêu người dân khác trong xã từng được nuôi lớn nhờ “của rừng”. Từ nhỏ anh đã biết rừng cho gia đình mình và bao người dân nơi đây những nguồn lợi như: mật ong, lá rừng chằm nón, mây, tre…

Anh Phúc nhớ lại những chuyến theo cha lên rừng cùng các chú, các bác trong thôn. Anh kể: “Ngày trước, để khai thác mây cha tôi thường hay chặt cả gốc, đốt ong lấy mật rất dễ gây ra cháy rừng. Bám rừng để kiếm ăn nguy hiểm, nhưng đó là nguồn sống chủ yếu của cả gia đình. Không biết từ bao giờ, nguy hiểm lại trở nên bình thường”.

Vợ chồng anh ra ở riêng, cuộc sống bấp bênh theo những công việc làm thuê. Anh cũng đi rừng… mùa nào thức nấy dù sản lượng ngày một ít đi nhưng bán cũng có được đồng ra đồng vào, chật vật trang trải cuộc sống nuôi con ăn học.

 Tháng 4 năm năm 2018, lần đầu tiên dự án “Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần khu bảo tồn Sao La” do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện A Lưới thực hiện với sự tài trợ của Chương trình các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (SGP – GEF UNDP)  tài trợ được triển khai. Anh Phúc được dự án truyền thông để nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, từ đây anh có thêm nhiều kiến thức và cải thiện phần nào sinh kế nên dần thay đổi cách nghĩ, cách đối xử với rừng.

Người dân chủ động liên kết trong quản lý bảo vệ rừng

Với sự hỗ trợ từ dự án, sự tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, Mạng lưới quản lý bảo vệ rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (Mạng lưới) được Ủy ban nhân dân (UBND) xã Hương Nguyên sớm ra quyết định thành lập (41/QĐ-UBND ngày 10/09/2018). Mạng lưới có 22 nhóm hộ và 1 cộng đồng được giao rừng trên địa  bàn xã Hương Nguyên gồm 44 thành viên và hoạt động theo quy chế do họ tự xây dựng.

Anh Trần Văn Phúc

Tham gia vào mạng lưới, anh Phúc kết nối với các nhóm hộ tuần tra rừng thường xuyên hơn trước đây để giám sát tính toàn vẹn của rừng, có khi 2 -3 lần/1 tháng. Anh tự hào nói: “Hồi mới tuần tra theo hướng dẫn của chuyên gia CRD, khi phát hiện có người vào rừng định đốn cây dẻ cổ thụ… chúng tôi đã tiến hành nhắc nhở, giải thích. Họ ra về nhưng chưa từ bỏ ý định nên chúng tôi kết hợp báo đến kiểm lâm và cán bộ xã để phối hợp ngăn chặn thành công”. Anh sử dụng thành thạo phần mềm quản lý rừng trên điện thoại di động nên việc thực hiện tuần tra rừng dễ dàng hơn.

Kể từ khi tham gia vào mạng lưới, anh Phúc được tập huấn về các kỹ năng và kỹ thuật cần thiết liên quan đến công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Mỗi lần khai khai thác các lâm sản ngoài gỗ như mây, mật ong,… anh sẵn sàng hướng dẫn lại cho những người khác các phương pháp khai thác vừa chất lượng, lại không tận diệt mà nguồn lợi tiếp tục sinh sôi.

Ý thức mình chính là “chủ nhân” của những khu rừng, được sự hướng dẫn của các chuyên gia, anh Phúc cùng các thành viên mạng lưới gồm 22 nhóm hộ gây quỹ phát triển sinh kế thôn bản từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. “Tích nhỏ thành lớn”, 22 nhóm hộ cộng đồng góp được 22 triệu đồng. Theo đó, anh tự nguyện trích nộp 1.000.000 đồng của mình để có vốn đầu tư phát triển sản xuất cải thiện sinh kế, giảm áp lực lên rừng.

Các chuyên gia CRD đã hướng dẫn cách vận hành, quản lý quỹ, cách sử dụng quỹ đúng mục đích. Đến tháng 4 năm 2019, anh Phúc được vay vốn với lãi suất thấp chỉ 0,5% tháng từ một phần nguồn quỹ đặc biệt này và quỹ phát triển sinh kế của dự án để chăn nuôi bò bán thâm canh. Đến nay, bò của gia đình anh nuôi đã sinh sản được 2 con bê con có trị giá từ 26 – 30 triệu đồng.

“Chúng tôi tự nguyện đóng góp tiền phát triển sinh kế, chăn nuôi thêm bò để cải thiện thu nhập… nên áp lực kiếm sống từ rừng cũng giảm dần. Chúng tôi chủ động hơn để liên kết với nhau trong gây quỹ nên đã thay đổi suy nghĩ về việc trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Chủ động liên kết tuần tra bảo vệ, giám sát rừng giờ đây là chủ động bảo vệ cuộc sống của chính mình”, anh Phúc tin tưởng tâm sự.

Không chỉ có anh Phúc, thành viên mạng lưới đã thực hiện tốt chức năng liên kết các cộng đồng thôn/nhóm hộ quản lý rừng trên toàn xã trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, chia sẻ thông tin, và xây dựng nhận thức cho người dân. Mạng lưới đã tự tổ chức và duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt (mỗi tháng một lần). Bên cạnh các vấn đề về quản lý rừng bền vững và bảo tồn ĐDSH, mạng lưới còn trao đổi các vấn đề liên quan liên quan như phát triển sinh kế và kỹ thuật sản xuất. v.v. Nhờ đó, xã Hương Nguyên vốn là một trong những điểm nóng về khai thác tài nguyên rừng trái phép nhưng đến năm 2019 địa bàn xã chưa ghi nhận một vụ khai thác tài nguyên rừng trái phép nào (theo Báo cáo kinh tế xã hội xã Hương Nguyên năm 2019).