Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Ngay từ những phút đầu bước chân lên xe, các thành viên trong đoàn ai nấy đều rất vui vẻ, háo hức và mong đợi học được nhiều điều hay, hữu ích từ chuyến tham quan. Điều này được thể hiện ngay trong những câu giới thiệu và bày tỏ nguyện vọng đầu tiên của mỗi người. Và chuyến tham quan đã không phụ lòng mong đợi của anh, em trong đoàn mặc dù trải qua một hành trình học tập căng thẳng về mặt thời gian.

Xuất phát từ thành phố Huế, đoàn chúng tôi vượt qua hành trình gần 200 km và được đặt chân lên mảnh đất Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, đoàn gặp gỡ, nghe được những kinh nghiệm hay trong việc thực hiện dự án “Lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Mục đích của dự án này là nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai của các cộng động bị ảnh hưởng lũ lụt tại tỉnh Quảng Nam, trong đó chú trọng đến nhu cầu của người khuyết tật và người thân của họ thông qua sự tham gia hiệu quả của người khuyết tật. Mặt dù thời gian làm việc ngắn, nhưng nhiều câu chuyện điển hình và phương pháp thực hiện hay lần lượt được cộng đồng chia sẻ cho chúng tôi.

 

 

Học tập chia sẻ tại xã Đại Lãnh
Học tập chia sẻ tại xã Đại Lãnh
Sơ đồ hiểm họa được vẽ bởi cộng đồng trong đó có người khuyết tật
Sơ đồ hiểm họa được vẽ bởi cộng đồng trong đó có người khuyết tật

Rời xã Đại Lãnh với nhiều cung bậc cảm xúc từ những câu chuyện điển hình về người khuyết tật tham gia vào dự án, bác tài xế cẩn thận đưa chúng tôi vượt qua những cung đường ngoằn nghèo, chật hẹp, băng qua núi rừng Trường Sơn hùng vĩ bỏ qua không biết bao nhiêu đèo, dốc để đến với mảnh đất Tây Giang nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam, giáp ranh với nước Lào anh em. Chúng tôi có một đêm ngon giấc tại Thị trấn Prao nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Vào ngày thứ hai, chúng tôi được thăm và làm việc với xã Bhalêe, huyện Tây Giang. Tại đây, đoàn chia làm ba nhóm để đi thăm cùng lúc các mô hình, hoạt động khác nhau tại thôn A Tép 2, các mô hình, hoạt động gồm: (1) Mô hình giao đất giao rừng; (2) Mô hình trồng mây bản địa; và (3) Hoạt động sử dụng bếp tiết kiệm củi, ít khói.
Nhóm quan tâm tới mô hình “Giao đất giao rừng” tiếp xúc với các cán bộ huyện, xã và người dân trực tiếp tham gia dự án và được “Mắt thấy tai nghe” về những kết quả mà người dân và dự án nơi đây làm được. Được biết, đây là mô hình thí điểm đầu tiên tại huyện Tây Giang về giao đất giao rừng mà chính người dân là người khảo sát, đo đạc và ghi chép các thông tin. Các công đoạn như lập ô tiêu chuẩn, đánh giá trữ lượng rừng, sử dụng máy định vị GPS, … đã từng bị nghi ngại giờ đây đã cho thấy những kết quả thực sự hiệu quả.

Tặng quà cho thôn A Tép 2, xã Bhalêe
Tặng quà cho thôn A Tép 2, xã Bhalêe

Cũng tại thôn A Tép 2, các thành viên của nhóm thứ hai đã đến thăm mô hình “Trồng mây bản địa dưới tán rừng”. Đoàn gặp các thành viên của nhóm sở thích và được nhìn thấy vườn ươm mây giống xanh đều, cây khỏe mạnh. Mô hình này có ý nghĩa trong việc duy trì và phát triển nguồn giống địa phương có chất lượng nhằm phát triển nguồn nguyên liệu cho sản xuất mây tre đan. Bên cạnh đó, mô hình này còn góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong bối cảnh tình trạng rừng ngày càng cạn kiệt. Cụ thể, việc trồng mây dưới tán rừng sẽ giúp bảo vệ đất bề mặt, chống xói mòn, tạo thảm thực vật phát triển theo cây mây, giữ mùn đất, giúp rừng phát triển và tăng bể hấp thụ các-bon, …

4

Thăm và trao đổi tại vườn ươm Mây giống
Thăm và trao đổi tại vườn ươm Mây giống

Song song với hai nhóm kia, các thành viên của nhóm thứ ba đã đến thăm hoạt động “Sử dụng bếp tiết kiệm củi, ít khói”. Khác với hai nhóm kia, tiếp đón nhóm toàn là chị em phụ nữ Cơ Tu. Nhóm được các chị, em chia sẻ nhiều về tính hiệu quả của chiến dịch truyền thông khuyến khích phụ nữ Bhalêe sử dụng, thay đổi thói quen sử dụng bếp củi thông thường bằng cách thay thế, đầu tư bếp tiết kiệm củi. Hoạt động này đã tiết kiệm nhiều lượng củi đốt, giảm bớt thời gian kiếm củi của các chị em. Chị Avo Thị Bé – Chủ tịch hội phụ nữ thôn A Tép 2, xã Bhalêe chia sẻ “Việc nấu bếp cải tiến giảm được khoảng 60% lượng củi thông thường, thay vì dùng 10 thanh củi để nấu 1 nồi cơm như trước thì khi sử dụng loại bếp này, chị chỉ đun khoảng 4-5 thanh củi”. Hoạt động này rất thiết thực, phù hợp với địa phương và được phụ nữ xã Bhalêe đánh giá rất cao, từ chỗ 50 cái bếp được dự án hỗ trợ, đến nay đã có tới 604 chiếc bếp được phụ nữ các xã đặt mua và nhờ dự án đem về. Đó là một thành công ngoài mong đợi.

Sử dụng bếp tiết kiệm củi - phụ nữ giảm bớt sức lao động
Sử dụng bếp tiết kiệm củi – phụ nữ giảm bớt sức lao động
Niềm vui của người dân bên bếp tiết kiệm củi
Niềm vui của người dân bên bếp tiết kiệm củi

Tạm biệt bà con đồng bào Cơ Tu và rời rừng núi Tây Giang, đoàn chúng tôi xuôi về đồng bằng với biết bao bài học quý báu. Theo lịch trình, ngày thứ ba đoàn đến xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với tinh thần háo hức và mong muốn được thu nhận thêm nhiều kinh nghiệm hay tại nơi đây. Hai mô hình mà đoàn đã đến thăm và nghe chia sẻ thông tin là “Trồng rau ăn lá trái vụ thích ứng với biến đổi khí hậu” và mô hình “Nuôi gà an toàn dịch bệnh thích ứng biến đổi khí hậu” do Tổ chức Save The Children tài trợ với sự Tư vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD). Mặt dù cái nắng gió đầu hè rất gay gắt nhưng vẫn không làm giảm đi cái tinh thần học hỏi của các thành viên trong đoàn tham quan.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động nặng nề, do vậy cần thiết phải có những can thiệp phù hợp để hỗ trợ người dân hạn chế được các tác động này. Do đó, dự án đã chọn cách tiếp cận giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hai mô hình tại xã Duy Tân mà đoàn đến thăm, ngoài ý nghĩa là thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, rét, mưa nắng thay đổi thất thường thì nó còn có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế nhất là các hộ nghèo.

Niềm vui của người dân từ thành công của mô hình
Niềm vui của người dân từ thành công của mô hình
Đoàn trao đổi tại vườn rau của hộ anh Nguyễn Ba – Thôn Thu Bồn Tây, Duy Tân
Đoàn trao đổi tại vườn rau của hộ anh Nguyễn Ba – Thôn Thu Bồn Tây, Duy Tân

H3 PV anh Ba
Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi được gặp gỡ và trao đổi với chủ hộ của mô hình “Áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước để trồng cỏ voi nuôi bò thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Mô hình này nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế. Hệ thống giàn phun tưới nước của đề tài đã giúp tiết kiệm nước, giảm thời gian, công sức cho người lao động, người dân có thời gian để làm thêm các công việc khác tăng thu nhập. Bên cạnh tính chống chịu với hạn hán, nắng nóng mô hình này cũng là một hướng đi để chính quyền xem xét đưa giống cỏ Varisme số 6 (VA06 – là giống cỏ được lai tạo giữa giống cỏ voi và cỏ đuôi sói của châu Mỹ, được đánh giá là “Vua của các loại cỏ”) phát triển trên vùng đất cát khô cằn để phát triển chăn nuôi bò. Theo đánh giá của đoàn, khả năng nhân rộng của mô hình này với những địa phương có điều kiện tự nhiên và sản xuất tương tự là rất cao.

Hệ thống giàn phun tiết kiệm nước
Hệ thống giàn phun tiết kiệm nước
 Cỏ Varisme số 6 (VA06) - thức ăn cho bò nuôi nhốt
Cỏ Varisme số 6 (VA06) – thức ăn cho bò nuôi nhốt

Thay vì càng đi càng mệt thì các thành viên của đoàn lại càng thấy hứng thú, phấn khích. Anh em trong đoàn ai cũng hăng say tìm tòi, khám phá nhiều điều mới, rút ra nhiều kinh nghiệm cho hoạt động của tổ chức mình và cho hoạt động của CCN trong tương lai. Nhiều câu hỏi, vấn đề đã được anh em đưa ra thảo luận, trao đổi ngay trên chuyến xe trong lúc di chuyển trên đường.
Vào ngày cuối cùng của lịch trình học tập, chúng tôi được làm việc tại tỉnh Bình Định và Phú Yên. Đây là hai điểm gây nhiều ấn tượng với đoàn tham quan. Tại tỉnh Bình Định, chúng tôi được các anh chị của hội Chữ thập đỏ Đức và hội Chữ thập đỏ Bình Định chia sẻ thông tin về mô hình “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Đây là dự án được triển khai thực hiện rất bài bản. Chương trình và nội dung cũng không kém phần hấp dẫn so với tại Bình Định khi đoàn làm việc với Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Dược liệu miền Trung tại Phú Yên. Mô hình “Sản xuất cây dược liệu – chuyển đổi đất canh tác sang trổng cây thuốc nam chịu hạn” tại Trung tâm này đã cho thấy sự phối hợp chặc chẽ giữa 4 nhà (Nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học và nhà nước) trong bối cảnh sản xuất hướng đến thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai mô hình tại Bình Đình và Phú Yên làm cho anh em trong đoàn lóe ra nhiều ý tưởng cho các dự án mới.

Đoàn làm việc tại Hội chữ thập Đỏ tỉnh Bình Định
Đoàn làm việc tại Hội chữ thập Đỏ tỉnh Bình Định
Vườn nghiên cứu cây thuốc tại tỉnh Phú Yên
Vườn nghiên cứu cây thuốc tại tỉnh Phú Yên

Ban tổ chức chuyến tham quan cũng rất chú đáo, đã bố trí chương trình để anh em trong đoàn được thưởng thức nhiều món ngon, đặc sản tại các tỉnh mà đoàn đến thăm. Tất cả các anh, em trong đoàn ai ai cũng không quên mua những món quà là những dược liệu, thực phẩm chức năng, … tại Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Dược liệu miền Trung để làm quà tặng cho người thân. Ai cũng hạnh phúc, hãnh diện vì mua được món quà này!

Quà tặng dành cho người thân
Quà tặng dành cho người thân

Trở lại với mục tiêu của chuyến tham quan, các thành viên đã học tập được những kinh nghiệm hay, hữu ích từ các chương trình/dự án tại miền Trung về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai. Chuyến tham quan được tất cả các thành viên trong đoàn đánh giá là đạt 100% mục tiêu đề ra. Anh em trong đoàn đã thu nhận được nhiều thông tin, học được nhiều kinh nghiệm hay từ các mô hình sinh kế thích ứng và mô hình Quản lý rủi ro thiên tai … Bên cạnh những kết quả được các thành viên đánh giá cao, ban tổ chức cũng nhận được một số ý kiến góp ý để cải thiện hơn nữa tính hiệu quả cho hoạt động tham quan và các hoạt động khác của mạng lưới trong thời gian tới. Ngoài những điều học được tại thực địa, các thông tin thu thập được từ chuyến tham quan đang được các thành viên mạng trong đoàn cập nhật, tổng hợp và gửi đến ban biên tập để chọn lựa, tư liệu hóa thành tài liệu chia sẻ trong và ngoài mạng lưới. Việc tư liệu hóa cũng đang được gấp rút để có thể in ấn và chia sẻ tài liệu cho các thành viên khác trong và ngoài CCN. Không những thế, các thành viên đã thắt chặc tình cảm, tính liên kết và sở hữu mạng lưới của các tổ chức thành viên qua chuyến tham quan.
Chúng tôi hy vọng rằng, sắp đến CCN sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để liên kết và huy động các nguồn lực nhằm góp phần giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng miền Trung trước những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu./.

Tác giả: Tịnh Chi và Bảo Hòa
Ảnh: CCN

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x