Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được ban hành năm 2004 đã có tác động tích cực đến sự phát triển rừng cũng như đời sống của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số điểm cần sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả của Luật.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Hôm nay (30/9), Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo với chủ đề:“Thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Việt Nam: Một số phát hiện và khuyến nghị từ các tổ chức xã hội”.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) trực thuộc VUSTA, trong Điều 3 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 (BV&PTR) giải thích, “cộng đồng dân cư thôn” là “toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân sống trong cùng một thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc hoặc đơn vị tương đương”. Cộng đồng dân cư thôn là chủ thể được giao rừng theo qui định của Luật.

Theo khảo sát, đa số thành viên cộng đồng và cán bộ chính quyền địa phương cho rằng khó thực hiện đầy đủ quy định giao rừng cho toàn bộ cộng đồng dân cư thôn. Đơn vị khảo sát nghiên cứu cho rằng, Luật cần điều chỉnh khái niệm “cộng đồng dân cư thôn” được giao rừng, vì trên thực tế, quản lý rừng cộng đồng không thể đảm bảo đủ tiêu chí toàn bộ hộ gia đình, cá nhân trong thôn như quy định của Luật.

Khuyến nghị tiếp theo được đưa ra là cần có sự tham gia của đại diện cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong lập quy hoạch, kế hoạch phát triển rừng.

Trong quy hoạch, vai trò tham gia của người dân, cộng đồng, chính quyền cấp xã, thôn là rất hạn chế, nên kết quả quy hoạch ở nhiều nơi chưa phù hợp. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân và cơ quan quản lý địa phương trong việc quản lý và sử dụng đất rừng.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị về việc cần đơn giản hóa thủ tục để người dân thực hiện được quyền khai thác, tận thu gỗ từ rừng của mình.

Theo quy định tại Điều 30 và Điều 70 của Luật BV&PTR 2004, cộng đồng và hộ gia đình được quyền khai thác, sử dụng gỗ từ rừng được giao. Tuy nhiên, trên thực tế quyền này khó được thực hiện.

Theo kết quả tham vấn, phần lớn rừng tự nhiên giao cho cộng đồng và hộ gia đình là rừng nghèo kiệt, hoặc rừng trung bình, diện tích rừng giàu là rất ít. Mặc dù rừng có trữ lượng, nhưng theo đánh giá của người dân, diện tích rừng được giao thì cây rừng có giá trị là rất ít, phần lớn là cây gỗ tạp nên việc hưởng lợi từ gỗ là rất hạn chế.

Cùng với đó,Luật PT&BVR cần có các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý bảo vệ rừng

Điều 10 của Luật PT&BVR 2004 đã nêu khá nhiều chính sách đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng như chính sách hỗ trợ việc bảo vệ và làm giầu rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo, trồng rừng sản xuất gỗ lớn, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng nguyên liệu, chính sách phát triển thị trường lâm sản…

Tuy nhiên, các chính sách này chưa được thực hiện đầy đủ do các quy định này còn mang tính định hướng mà không được cụ thể hóa. Do vậy, Luật cần có thêm các nội dung qui định về cơ chế hỗ trợ ban đầu, chia sẻ trách nhiệm với hộ gia đình và cộng đồng được giao rừng để họ có thể yên tâm quản lý bảo vệ các khu rừng được giao.

Đỗ Hương

Theo Baochinhphu.vn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x